Tổng quan ngành bia đầu năm 2023 – Thách thức và cơ hội cho sự phục hồi nửa cuối năm 2023

 Tổng quan ngành bia đầu năm 2023 – Thách thức và cơ hội cho sự phục hồi nửa cuối năm 2023

Hoạt động kinh doanh của Habeco và Sabeco suy giảm

Ngành bia đầu năm 2023 diễn ra như thế nào? Liệu có sự khác biệt so với năm trước? Cùng Goodgood cập nhật ngay trong bài viết dưới đây!

Tổng quan ngành bia Việt Nam những tháng đầu năm 2023

Theo báo cáo tổng hợp, được biết mức tiêu thụ bia tính đến năm 2022 của Việt Nam đang ở 3,8 triệu lít/năm, chiếm 2,2% thị trường thế giới. Nhờ kết quả thống kê này, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu toàn khu vực ASEAN, đứng thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về mức tiêu thụ bia. 

Ngành bia Việt Nam dự báo sẽ có mức tăng trưởng kép CAGR là 11%/ năm trong giai đoạ 2023 – 2026. Mức dự báo tăng trưởng này được kết luận là nhờ sự hồi phục của du lịch – kinh tế sau Covid.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ nhiều nguồn cho thấy, tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành bia nói chung và hoạt động kinh doanh của các ông lớn ngành bia trong nước nói riêng, không đạt được như kỳ vọng trong các tháng đầu năm nay.

Sản lượng và tiêu thụ ngành bia năm 2023

Theo kết quả báo cáo, sản lượng ngành bia trong Quý I/2023 tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù giảm khoảng 15% so với quý trước đó.

Sản lượng bia các loại theo quý
Sản lượng bia các loại theo quý

Sở dĩ sản lượng bia trong Quý I thấp một phần là vì thông thường đây luôn là thời điểm có sản lượng thấp điểm nhất trong năm, do kỳ nghỉ Tết dài, các hoạt động sản xuất đều dừng lại.

Về mức tiêu thụ của ngành bia những tháng đầu năm nay, theo ghi nhận, sức mua mặt hàng này vẫn còn chậm. Các đơn vị kinh doanh đã phải chạy đua trong các chiến dịch khuyến mãi, quảng cáo rầm rộ mới mong bán được hàng. 

Một số đại lý bia cũng đánh giá rằng năm nay thị trường bia đặc biệt chậm, ở cả phân khúc khách sỉ và khách lẻ. Sức mua tại các hệ thống phân phối bán lẻ đang rất yếu so với cùng thời điểm năm 2022. 

Hoạt động kinh doanh của 2 ông lớn trong nước suy giảm

Theo nguồn báo cáo tổng hợp trong quý I, hai ông lớn ngành bia là Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco – BHN) và Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – SAB) đều đang ở trong tình trạng sụt giảm đáng kể cả ở doanh thu lẫn lợi nhuận.

Theo báo cáo tổng hợp, ông lớn ngành bia khu vực phía bắc Habeco ghi nhận doanh thu thuần ở mức 1.172 tỷ đồng, giảm đến gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cũng là mức thấp nhất kể từ Quý I/2020. 

Lợi nhuận sau thuế của Habeco
Lợi nhuận sau thuế của Habeco

Được biết, doanh thu thuần bán hàng hoá chiếm 98% cơ cấu tổng doanh thu của Habeco, số ít còn lại đến từ các hoạt động cung cấp dịch vụ. Dù doanh nghiệp đã cố gắng bó hẹp các loại chi phí như quản lý doanh nghiệp hay chi phí bán hàng, đặc biệt là chi phí quảng cáo, khuyến mại và hỗ trợ, tuy nhiên việc chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh đã đẩy giá vốn hàng bán lên cao và kéo biên lợi nhuận gộp của Habeco giảm từ 26% xuống còn 21%. 

Do đó, Habeco vẫn lỗ sau thuế 3,7 tỷ đồng, cũng là lần đầu tiên công ty báo lỗ kể từ Quý I/2020. Trong khi, theo báo cáo cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp đã lãi 34.5 tỷ đồng. 

Hoạt động kinh doanh của Habeco và Sabeco suy giảm
Hoạt động kinh doanh của Habeco và Sabeco suy giảm

Không khá hơn, Sabeco cũng rơi vào tình trạng sụt giảm kết quả kinh doanh ngay trong quý đầu năm. Cụ thể, ông lớn khu vực phia nam thu về 6213 tỷ đồng doanh thu, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong cơ cấu nguồn thu, doanh thu từ ngành bia, chiếm khoảng 90%, bên cạnh đó là 8% từ bán nguyên vật liệu và chỉ số ít từ các sản phẩm nước giải khát, rượu, cồn và doanh thu khác.

Tuy nhiên, ổn định hơn so với đối thủ cùng ngành, biên lợi nhuận gộp của Sabeco dao động trong khoảng 30%, ít sự chênh lệch. Doanh nghiệp cũng tiếp tục chi mạnh tay hơn cho chi phí bán hàng (dành đến 479 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi) và chi phí quản lý doanh nghiệp. Kết thúc quý đầu năm 2023, Sabeco lãi ròng 1.004 tỷ đồng, giảm khoảng 19%. Đây là quý suy giảm lợi nhuận thứ 3 liên tiếp của Sabeco sau khi lập đỉnh ở mức 1.793 tỷ đồng hồi quý II năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế của Sabeco và Habeco
Lợi nhuận sau thuế của Sabeco và Habeco

Về nguyên nhân cho sự suy giảm trong kết quả kinh doanh của hai thương hiệu lớn này, lãnh đạo hai bên cho biết kết quả kinh doanh Quý I/2023 vừa rồi thấp hơn đến từ việc thị trường suy yếu sau thời gian Tết Nguyên Đán, nhu cầu tiêu dùng chậm lại do áp lực giảm chi tiêu của người dùng có thu nhập thấp trong năm nay đã tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh cũng như lượng tiêu thụ hai hãng bia này. 

Đặc biệt, bối cảnh Nghị định 100/CP quy định về xử phạt với người điều khiển xe máy có sử dụng rượu, bia bị siết chặt tại các thành phố trọng điểm đã giảm đáng kể lượng tiêu thụ ngành bia trong những tháng đầu năm 2023.

Thách thức và cơ hội cho ngành bia Việt Nam nửa cuối năm 2023

Thách thức của ngành bia nửa cuối năm 2023

Như đã phân tích, Nghị định 100/CP xử phạt đối với người uống rượu bia sẽ tiếp tục là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay.

Giá nguyên vật liệu sản xuất dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận, dự kiến một số nguyên liệu chính trong sản xuất bia điển hình như bột trợ lọc sẽ tăng khoảng 25%, hoa houblon tăng 10%, gạo tăng 4%, đường tăng khoảng 8%. Đặc biệt với malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất dự kiến tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân mùa thu năm 2022.

Chuỗi giá trị ngành bia
Chuỗi giá trị ngành bia

Thói quen chi tiêu của người Việt đang có xu hướng giảm, bên cạnh đó sẽ tăng chi tiêu cho những khoản về sản phẩm tốt cho sức khoẻ sau Covid – 19. Đồng thời, tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt cũng sẽ là thách thức lớn với các hãng bia nội địa. 

Sự đe doạ từ các đối thủ cạnh tranh bia nhập khẩu, bia ngoại bia sản xuất bởi các tập đoàn đa quốc gia như Heineken, Budweiser,… Các nhà sản xuất này đều là những tập đoàn đa quốc gia, nhận được hậu thuẫn khổng lồ về kinh nghiệm, nguồn lực tài chính, nhân sự, kỹ thuật, nguyên liệu và các hoạt động duy trì – phát triển thương hiệu cũng như thị trường. 

Ngoài đe doạ cạnh tranh những sản phẩm bia ngoại, trên thị trường hiện nay còn có những đối thủ là các sản phẩm chai PET, bia chai, bia lon của những doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ, với giá thành rẻ (giá thấp hơn các sản phẩm đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) tại các địa phương như: Bia tươi Việt Hàn, Sao Vàng, Bia tươi Hada, Hanoi Special Lager Beer…

Xung đột Nga – Ukraine vẫn căng thẳng cùng với dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đây sẽ là những yếu tố tạo nên tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế, các rủi ro về tài chính, lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động. Những yếu tố này có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn tới yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh trong năm nay. 

Cơ hội nào cho ngành bia nửa cuối năm 2023

Tác động của du lịch

Ngành bia sẽ tiếp tục phục hồi nhờ các hoạt động mở cửa, khuyến khích cho du lịch của Nhà nước. Đây sẽ là cơ hội rộng mở để thúc đẩy tiêu dùng ngành bia nói riêng và ngành đồ uống nói chung. Đặc biệt, đầu năm nay, ngành cũng đặt kỳ vọng khi Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp cho du lịch tăng trưởng mạnh trong năm 2023, từ đó có thể bù đắp một phần sự sụt giảm trong tiêu dùng nội địa, thúc đẩy triển vọng tăng trưởng ngành bia. 

Đúng như dự đoán, theo Tổng cục Du lịch, du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhờ động lực chính đến từ thị trường Trung Quốc. Sau khi nước này mở lại tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ 15/3, đã đánh dấu nguồn khách Trung Quốc cán mốc 112 nghìn lượt trong tháng 4, tăng hơn 60% so với tháng trước, ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường khách. Vì thế không có gì là bất khả thi khi ngành bia hoàn toàn có quyền hi vọng sự phục hồi mạnh mẽ của mình nhờ vào tình hình du lịch khả quan của Việt Nam.

Du lịch dự kiến sẽ thúc đẩy sự phục hồi của ngành bia trong nước
Du lịch dự kiến sẽ thúc đẩy sự phục hồi của ngành bia trong nước

Thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng

Trước áp lực lạm phát và cắt giảm chi tiêu trong năm nay, nếu có nhu cầu, khách hàng sẽ có xu hướng tiêu dùng loại bia có giá thành rẻ hơn, đây có thể là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước như Habeco và Sabeco.

Nguyên liệu đầu vào

Theo kết quả báo cáo, nhôm là một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất bia, chiếm khoảng 20 – 30% chi phí sản xuất. Hiện nay khi nguồn cung nhôm được bổ sung từ Trung Quốc sau khi nước này mở cửa. Dấu hiệu tích cực cho thấy, giá nhôm đang trên đà giảm trong 3 tháng đầu năm và sẽ tiếp tục ổn định. 

Giá nhôm thế giới hạ nhiệt
Giá nhôm thế giới hạ nhiệt

Nhìn chung có thể thấy, cũng tương tự hoàn cảnh như những ngành khác, tình hình ngành bia đầu năm 2023 diễn biến khá ảm đạm. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực hơn và khắc phục được những vấn đề còn tồn tại.

Để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về thị trường đa lĩnh vực, vui lòng liên hệ Goodgood để được tư vấn và hỗ trợ!

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Website: https://goodgood.vn/

Hotline: 0973 405 082

Email: contact@actgroup.com.vn

Địa chỉ: Số 27, Ngõ 16 Hoàng Cầu, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội

 

Good Good Report

https://goodgood.vn

Xem thêm