Báo cáo ngành chứng khoán 2021 – Một năm phát triển vượt bậc

 Báo cáo ngành chứng khoán 2021 – Một năm phát triển vượt bậc

Năm 2021 là một năm đầy biến động với các ngành khác nhau, trong đó có cả thị trường chứng khoán. Nhưng báo cáo ngành chứng khoán 2021 đã chỉ ra rằng năm vừa qua ngành chứng khoán có sự tăng trưởng vượt bậc. Ngành chứng khoán đã thể hiện rõ vai trò của mình là một kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp và Chính phủ cũng như là một kênh đầu tư không thể bỏ qua đối với các nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán 2021 với nhiều kỷ lục được thiết lập

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Phạm Hồng Sơn cho biết thị trường chứng khoán tại Việt Nam năm 2021 đã hồi phục và có sự phát triển mạnh mẽ. Xu hướng tăng trưởng trong dài hạn được kéo dài tuy nhiên có những nhịp điều chỉnh nhỏ do sự tác động của đại dịch, nhất là khi xuất hiện các biến chủng mới là Delta và Omicron.

Theo đó, năm 2021 chỉ số VN – Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới chưa từng có, đỉnh cao nhất của VN-Index chạm mức 1.500,81 điểm vào ngày 25 tháng 11. Cho đến thời điểm hiện tại, đây cũng là đỉnh cao nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán.

Trong ngày 1/2/2021 VN-Index vượt mức 1.200 điểm, đây là mốc kỷ lục được thiết lập từ năm 2018. Tính đến ngày 28 tháng 12 năm 2021, chỉ số VN-Index đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2020, thuộc 1 trong top thị trường mang tới tỷ suất sinh lời cao nhất thế giới.

Chỉ số VN-Index biến động liên tục trong năm 2021

Cùng với sự tăng trưởng không ngừng về chỉ số, mức vốn hóa thị trường của cổ phiếu cũng tăng cao. Tính đến hết ngày 28 tháng 12, mức vốn hóa thị trường đạt 7.728.000 tỷ Việt Nam Đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020, tương đương tăng thêm 22.8% GDP.

Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến hết tháng 11 năm 2021 đạt 1.727.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020 với 761 cổ phiếu. Chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 890 đăng ký giao dịch trên Upcom.

Thanh khoản của thị trường Cổ phiếu năm 2021 tiếp tục bùng nổ và tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước đã dẫn dắt thị trường. Thanh khoản thị trường cổ phiếu đã tăng nhanh “chóng mặt” và tăng liên tục qua các tháng, tính đến tháng 11 năm 2021 đạt mức 40.117 tỷ đồng trong 1 phiên.

Diễn biến chỉ số và thanh khoản cổ phiếu tăng trưởng nhanh

Tính chung từ tháng 1 năm 2021, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 25.960 tỷ đồng trong 1 phiên. Tính thanh khoản tăng 250% so với cùng kỳ năm 2020, ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục đạt 2,3 tỷ USD, xếp thứ 2 Đông Nam Á.

Năm 2021, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tăng mạnh, góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên đến hàng tỷ USD trong 1 phiên. Tính riêng tháng 11/2021, tổng số lượng tài khoản chứng khoán VN lên tới 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều chuyên gia kinh tế trên thị trường cho rằng, trong năm 2021, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã tiến lên một tầm cao mới, giúp thu hút được dòng tiền từ các nhà đầu tư từ nhiều tầng lớp khác nhau. Làn sóng đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường là một trong những nhân tố quan trọng giúp góp phần thúc đẩy tăng trưởng của thanh khoản trong thời gian qua.

Theo báo cáo của các công ty chứng khoán, người dân đã chuyển thêm hàng chục nghìn tỷ đồng vào năm 2021 để đầu tư chứng khoán. Đây là một trong những dấu hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong nước đối với thị trường cổ phiếu.

Theo TS. Quách Mạnh Hào, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có một giai đoạn tăng trưởng dài hạn và tương đối bền vững. Tính bền vững được thể hiện qua việc dòng tiền đổ vào thị trường rất mạnh, tạo ra một sức hút khi các nhà đầu tư xem chứng khoán như một kênh đầu tư thay cho kênh tiền gửi tiết kiệm truyền thống.

Thị trường chứng khoán 2021 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mặc dù trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam lập nhiều kỷ lục tuy nhiên TS. Cấn Văn Lực vẫn cho thấy rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang tồn tại một số điểm rủi ro đáng kể.

Theo ông, thị trường chứng khoán đang tăng nóng so với toàn cầu. Năm 2020, GDP toàn cầu tăng trưởng -3,1% nhưng nhờ dòng vốn rẻ và một số nguyên nhân khác, chỉ số chứng khoán thế giới vẫn tăng 14%. Năm 2021, kinh tế phục hồi, chỉ số chứng khoán thế giới tăng khoảng 20%.

Trong khi đó, tại Việt Nam chỉ số VN-Index tăng khoảng 15% so với năm 2020 nhưng tới năm 2021 lại tăng tới 35% mặc dù GDP chỉ tăng từ 2-2,5%. Tăng trưởng kinh tế của Philippines ở mức 5% trong năm 2021 và kỳ vọng năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng tương đương Việt Nam nhưng chỉ số chứng khoán chỉ tăng 2%.

Thị trường chứng khoán 2021 liên tục phá kỷ lục về chỉ số thanh khoản

T.S Cấn Văn Lực cho biết: Chứng khoán có phần tăng nóng và lệch pha so với nền kinh tế thực. Trong năm 2021, GDP Việt Nam chỉ tăng 2,58% nhưng chứng khoán tăng tới 35%. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán vẫn mang nhiều hiệu ứng tâm lý đám đông, một số doanh nghiệp chưa thực sự làm ăn tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng nhanh.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang tiềm ẩn nhiều sự thiếu bền vững khi chỉ số VN-Index tăng trưởng chủ yếu nhờ 6 nhóm ngành: bất động sản, ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, vật liệu xây dựng, tài nguyên cơ bản và dịch vụ tài chính. Chỉ riêng 6 nhóm ngành này đã chiếm khoảng 77% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán.

Mục tiêu hướng tới phát triển ngành chứng khoán năm 2022

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, năm 2022, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục nhận được thêm sự hỗ trợ từ các yếu tố nền tảng vĩ mô và các yếu tố nội tại. Nhưng đây cũng là năm còn gặp nhiều thách thức và khó khăn, điển hình như: lạm phát tăng nhanh, dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và nhiều nguyên nhân khác nữa.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tập trung giám sát và kiểm tra việc cho vay giao dịch ký quỹ đảm bảo đúng pháp luật. An toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Good Good Report

https://goodgood.vn

Xem thêm