Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Ở đấy thế nào? – Văn hóa doanh nghiệp
Ở đâu có tập hợp người ở đó sẽ có văn hóa. Doanh nghiệp là một tập hợp những con người cùng nhau làm việc và tất nhiên doanh nghiệp cũng có văn hóa riêng. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là bộ trang phục, những câu khẩu hiệu ở hành lang, cách bài trí trong phòng họp hay logo, slogan rất kêu trên bao bì sản phẩm. Đây chỉ là cơ cấu hữu hình của văn hóa doanh nghiệp, phần nổi của tảng băng trôi. Chúng không định nghĩa và chắc chắn không tạo ra văn hóa doanh nghiệp. Điều mà nhiều bạn khởi nghiệp đang nhầm lẫn khi làm thương hiệu.
Văn hóa là các giá trị, chuẩn mực và niềm tin chung của doanh nghiệp. Đó là tính cách, là bổi cảnh cho mọi thứ diễn ra tại doanh nghiệp.
Ở đó:
- Nhân viên cảm thấy như thế nào?
- Nhân viên có hoàn thành công việc của họ không?
- Mọi người có hợp tác với nhau không?
- Mọi người có nói thật với nhau không?
- Nhân viên có nói thật với lãnh đạo không?
- Lãnh đạo có luôn “chiến thắng” không?
- Làm việc nhanh và chấp nhận rủi ro hay có thận trọng và chặt chẽ?
- ….
Chính là các câu hỏi mà mọi người vẫn hay hỏi nhau “Ở đấy thế nào?”
Có người nói văn hóa doanh nghiệp là văn hóa do (những) người chủ doanh nghiệp mong muốn tạo ra. Thủa ban đầu, doanh nghiệp được bắt đầu bằng niềm tin và kinh nghiệm của những người sáng lập. Doanh nghiệp được xây dựng theo cách họ muốn. Tuy nhiên, cùng với thời gian tồn tại và phát triển, những người lãnh đạo doanh nghiệp cũng trưởng thành hơn. Họ nhận ra ý tưởng, giá trị và tầm nhìn của doanh nghiệp đã vượt qua tính cá nhân của họ. Họ hiểu rằng điều quan trọng là phải xây dựng nền tảng với những nguyên tắc/giá trị cốt lõi mạnh mẽ để phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp có các nguyên tắc và phong cách lãnh đạo phù hợp, họ mới thu hút và giữ được những con người phù hợp để cùng xây dựng và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tìm cách đổi mới để thích ứng với sự phát triển thì việc thay đổi văn hóa là phần khó khăn nhất. Thay đổi văn hóa đòi hỏi những hành vi mới của những người chủ, các cấp quản lý và tất cả nhân viên. Những hành vi không còn phù hợp lại thường là những hành vi trước đây được doanh nghiệp cố ý hoặc vô ý khuyến khích thực hiện. Để thay đổi văn hóa, người chủ, người lãnh đạo, người quản lý – cấp trên, phải là tấm gương thay đổi chứ không thể ủy thác, giao phó cho cấp dưới thực hiện. Văn hóa sống trong “trái tim và khối óc” của mọi người và là nhận thức chung của mọi người về cách mà mọi thứ được thực hiện. Vì thế, người chủ có thể ra lệnh bắt mọi người làm việc nhưng không thể ra lệnh cho sự lạc quan, tin tưởng hay sáng tạo được. Vì vậy, khi bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp, các sáng lập viên nên hình dung ra mục tiêu/tầm nhìn và hướng tới chúng ngay từ đầu. Có tầm nhìn đúng đắn là điều tuyệt vời khi bạn muốn bắt đầu một văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ.
Các bạn lại tiếp tục tạo ra bản kế hoạch để thực hiện tầm nhìn, thuê nhiều người cùng mình làm việc chăm chỉ để đạt được nó. Có một điều thú vị là doanh nghiệp của bạn sẽ mang đặc điểm của nhân viên và sự hiểu biết của họ về các giá trị, chuẩn mực, hành vi và niềm tin chung của tổ chức. Thuê đúng người phù hợp với hệ tư tưởng của doanh nghiệp là một cách làm khôn ngoan nhưng chưa đủ. Các bạn cần phải chuyên cần tạo dựng một nền văn hóa phù hợp với tầm nhìn và giá trị của nó. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp của các bạn mới vững vàng trên thương trường.
Đến đây, có lẽ sẽ có bạn hỏi, cụ thể chuyên cần tạo dựng một nền văn hóa phù hợp là làm gì? Câu trả lời của tôi là: thay vì hô khẩu hiệu trong các cuộc họp, dán áp phích đầy văn phòng thì các bạn phải đưa tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị mà doanh nghiệp đang theo đuổi vào chính các quyết định hàng ngày. Hành động này vừa để chứng minh sự liên kết chiến lược với văn hóa vừa để thực thi chứ không phải chỉ nói về nó. Nếu các bạn lấy khách hàng làm trung tâm thì các dự án của doanh nghiệp cần tập trung làm nổi bật sự nhanh nhẹn, đổi mới để khách hàng thấy thuận tiện và thoải mái. Bao bì sản phẩm, chương trình quảng cáo được thiết kế lại để thân thiện hơn với người dùng. Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ phải đạt được sự hài lòng của khách hàng ở tất cả các khâu. Môi trường làm việc của nhân viên được cải thiện, các chương trình đào tạo được nâng cấp để giúp cho nhân viên thoải mái, tự tin và sáng tạo khi phục vụ khách hàng. Có một chân lý là nhân viên (cả bộ phận bán hàng, phục vụ và hỗ trợ) của bạn có hài lòng thì họ mới làm cho khách hàng hài lòng được.
Có một lần tôi đến thăm một doanh nghiệp tương đối có tiếng. Điều đầu tiên đập vào mắt là những chồng tài liệu ngổn ngang trên mặt bàn, nóc tủ trong phòng và cả hành lang. Qua trao đổi với chủ doanh nghiệp, tôi được biết công việc ở đó luôn lộn xộn, sự hợp tác giữa các bộ phận thiếu hiệu quả. Chủ doanh nghiệp còn cho biết thêm là nhân sự còn lại thì yếu, người khá thì hay nghỉ việc và rất khó tuyển được người giỏi. Ở một doanh nghiệp khác, tôi lại gặp cảnh khách hàng vật vờ, đói khát ở sân nhà máy để đợi nhận hàng (hàng xếp gần xong) do nhân viên nghỉ đi ăn trưa (đúng giờ). Chắc chắn là khách hàng không hài lòng. Ông Blair Singer (thầy của tôi) từng nói với chúng tôi rằng “Cách bạn làm một việc là cách bạn làm mọi việc”. Chính cách sắp xếp hồ sơ công việc, cách đối xử với khách hàng đã bộc lộ hành vi, lối suy nghĩ, cách ứng xử và tâm thức hàng ngày của nhân viên tại doanh nghiệp đó. Tuy rằng, chính họ lại không nhận ra.
Trong một số bài chia sẻ của tôi về Mô hình 7S của McKinsey. Mô hình bao gồm 7 yếu tố chính trong doanh nghiệp và được phân ra thành các yếu tố “cứng” và các yếu tố “mềm”. Các yếu tố này có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Khi một yếu tố thay đổi thì các phần còn lại phải thay đổi theo mới đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đạt được mục tiêu. Các yếu tố chiến lược, cấu trúc và hệ thống là các yếu tố cứng dễ xác định và quản lý hơn nhiều so với các yếu tố mềm. Chính vì vậy các doanh nghiệp thường tập trung nguồn lực để đầu tư vào chiến lược kinh doanh, chương trình marketing, hệ thống công nghệ, cơ sở vật chất mà quên đi đầu tư cho “con người”. Tại diễn đàn “Văn hóa doanh nghiệp – Nền tảng phát triển bền vững” do Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Hội Nữ doanh nhân TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch KIDO Group đã từng nói: “Nếu chỉ áp dụng các công cụ quản trị, dựa vào tổ chức con người, điều phối các nguồn lực bằng công cụ máy móc…. doanh nghiệp chỉ đạt được kết quả hoạt động ở mức tối thiểu. Bởi người lao động lúc này không làm việc vì trách nhiệm, vì tầm nhìn, sứ mệnh, vì văn hóa của doanh nghiệp nên hiệu quả đạt được không cao.”. Giá trị được chia sẻ, kỹ năng, phong cách, nhân viên là các yếu tố mềm, mặc dù khó xác định hơn, khó quản lý hơn và thường bị xem nhẹ nhưng lại là nền tảng và có nhiều khả năng tạo ra hiệu xuất cao hơn, đem lại lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp. Các yếu tố mềm lại chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được ví như là “gió”, vô hình nhưng hiệu ứng của nó có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Khi gió thổi thuận theo hướng của thuyền, mọi thứ sẽ thuận lợi và ngược lại.
Văn hóa doanh nghiệp mạnh chắc chắn phải liên quan đến nhân viên. Doanh nghiệp không thể có văn hóa tuyệt với nên nhân viên của họ không vui vẻ và hài lòng trong công việc. Vì doanh nghiệp có nhiều người ở nhiều bộ phận khác nhau, vì vậy các bạn nên tổ chức khảo sát mức độ hài lòng trong công việc nội bộ. Hãy lắng nghe tiếng lòng của nhân viên, hãy chăm sóc họ, hãy dành cho họ và gia đình họ những điều bất ngờ, đôi khi chỉ là nhỏ bé, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp. Và nếu các bạn cùng với nhân viên cùng xây dựng (thực chất) bộ quy tắc ứng xử chung trong doanh nghiệp thì tôi chắc chắn họ sẽ sẵn sàng “tử vì đạo” để bảo vệ những quy tắc này. Chỉ khi các bạn làm việc bằng “trái tim” thì mới chạm được tới cảm xúc của nhân viên và chỉ khi đó văn hóa mới thực sự sống trong doanh nghiệp. Khi nhân viên hài lòng với cách quản lý và môi trường làm việc, họ sẽ nỗ lực hết mình để đưa doanh nghiệp đến thành công. Điều này thực sự mang lại nhiều lợi ích gia tăng cho doanh nghiệp như giữ ổn định được những cán bộ chủ chốt, thu hút được người tài trong bối cảnh cạnh tranh nhân sự giỏi rất gắt gao. Các bạn cũng luôn có một lực lượng hùng hậu những “hạt giống đỏ” để làm hậu bị cũng như tiên phong trong những lĩnh vực mới.
Có thể bạn quan tâm:
- Gợi ý 4 bước audit trải nghiệm khách hàng – các marketer không nên bỏ qua
- PR – “chiêu” marketing vàng cho ngành thời trang
Trong cuốn sách “Một đời quản trị”, Giáo sư Phan Văn Trường có viết: “Có nhiều doanh nghiệp lại loay hoay với việc vẽ biểu đồ tổ chức, vẽ thế nào cũng không thuận để rồi ý thức rằng quản trị đơn thuần bằng sơ đồ tổ chức có lẽ cũng không ổn. Có doanh nghiệp thì cứ miệt mài sinh sôi quy trình làm việc cho nhân viên, rồi một ngày kia mới hiểu được rằng vấn đề của công ty là văn hóa doanh nghiệp, 10.000 quy trình không bằng có được văn hóa làm việc hiền hòa và nhân viên hỗ trợ nhau.”. Trong cuốn sách này, Tôi thực sự ấn tượng với khái niệm “Nice and professional” mà Giáo sư đã đưa ra khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại công ty Alsthom Power. Rất giản dị nhưng cũng thật là mạnh mẽ.
Theo “Bùi Đỗ Mạnh”