Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Việt Nam lọt top 10 quốc gia sử dụng Smartphone nhiều nhất thế giới
Nội dung bài viết :
Tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh có thể được sử dụng như một chỉ số để đo lường mức độ tiên tiến của nền kinh tế của một quốc gia. Lượng người sử dụng điện thoại thông minh và tỷ lệ thâm nhập của smartphone cũng được xem là một trong những cơ sở phát triển nền kinh tế số.
Theo những đánh giá mới đây, Việt Nam lọt top 10 quốc gia sử dụng Smartphone nhiều nhất thế giới
1, Những đánh giá về mức độ sử dụng Smartphone của người Việt
Năm 2020, các nhà cung cấp điện thoại thông minh đã bán ra khoảng 1,38 tỷ điện thoại thông minh trên toàn thế giới. Và con số sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2021 với con số dự đoán trên 1,53 triệu chiếc.
Theo báo cáo về “Thị trường ứng dụng di động 2021” do Appota phát hành, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó có 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G.
Tính đến tháng 12/2020 Việt Nam có 61,3 triệu người dùng, trên tổng dân số 97,3 triệu dân, đạt tỷ lệ trên 50% và lọt top 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone đông nhất thế giới. sánh vai cùng nhiều quốc gia phát triển khác như Anh, Nhật Bản, Đức.
So sánh với số liệu thống kê cuối năm 2019: Việt Nam lọt vào top 15 thị trường có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới. Số liệu cụ thể: 43,7 triệu người đang sử dụng các thiết bị smartphone trên tổng dân số 97,4 triệu dân, tương đương tỷ lệ 44,9%.
10 nước có lượng người dùng điện thoại thông minh nhiều nhất (Nguồn: Statista)
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam là hai thị trường có lượng người dùng cao nhất. Số liệu cho thấy, Indonesia có tới 160,2 triệu người dùng điện thoại thông minh và xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng, tiếp đó là thị trường Philippines và Thái Lan có tỷ lệ người dùng thấp hơn, với lần lượt là 41,3 và 37,8 triệu người dùng.
Số liệu điều tra của hãng nghiên cứu thị trường Statista cho thấy, tính đến tháng 5/2021, Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về lượng người dùng smartphone với gần 912 triệu người.
Ấn Độ xếp thứ 2 sau Trung Quốc với trên 439 triệu chiếc. Hai quốc gia này sẽ tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng bởi dân số đông và được đánh giá là các thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh khi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tương đối thấp, Statistic bình luận.
Tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh có thể được sử dụng như một chỉ số để đo lường mức độ tiên tiến của nền kinh tế của một quốc gia. Lượng người sử dụng điện thoại thông minh và tỷ lệ thâm nhập của smartphone cũng được xem là một trong những cơ sở phát triển nền kinh tế số.
Năm 2020, tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh tại Việt Nam xếp thứ 9 với chỉ số 63,1%, cao hơn Indonesia với tỷ lệ thâm nhập 58,6% và Philippines ở mức 37,7%.
2, Người Việt cũng nằm trong top dẫn đầu thế giới về số lượt tải ứng dụng
Là một trong những thị trường có số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới, rất dễ hiểu khi Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tải app nhiều hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Theo bảng xếp hạng nhóm các thị trường có nhiều lượt tải ứng dụng nhất trên hai kho tải Apple Store và Google Play tính đến hết quý 2 năm 2019 của báo cáo, Việt Nam là quốc gia xếp vị trí thứ 7 tổng cộng 750 triệu lượt tải app. Ba quốc gia là Brazil, Hoa Kỳ và Ấn Độ, vốn là những thị trường lớn nhất thế giới, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu của mình.
Tính đến tháng 12/2020, trong số 97,3 triệu người có đến 72 triệu người sử dụng mạng xã hội tương đương 73% dân số.
Mạng xã hội, ứng dụng xem phim và nhắn tin là các loại ứng dụng phổ biến nhất mà người dùng Việt sử dụng.
Facebook và Youtube cũng là hai ứng dụng mà người dùng dành nhiều thời gian nhất với lần lượt chiếm 25% và 12% thời gian khi sử dụng trên điện thoại di động.
Đối với các ứng dụng nhắn tin, Zalo đã vượt qua Facebook Messenger để trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất, chiếm 6% – 7% thời gian sử dụng. Ngoài ra còn nhiều ứng dụng khác cũng được người dùng ưa chuộng như Skype, Viber, Wechat…
Một mạng xã hội khác là Instagram thậm chí đã bị Tiktok vượt mặt trong cuộc khảo sát này khi chiếm tới 4% lượng sử dụng.
Đặc biệt, sự bùng nổ của TikTok sau đại dịch với 16 triệu lượt tải trong năm 2020 đã khiến ứng dụng video ngắn trở thành xu hướng giải trí mới tại Việt Nam, dự báo thị trường này sẽ còn sôi động hơn trong năm 2021 với sự vào cuộc của Instagram và Youtube.
3, Việt Nam được đánh giá là thị trường kinh tế số có mức tăng trưởng cao tại Khu vực Đông Nam Á
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, năm 2020 nền kinh tế kỹ thuật số khu vực Đông Nam Á ghi nhận sự tăng trưởng của thương mại điện tử, giao đồ ăn và truyền thông trực tuyến trong bối cảnh đại dịch. Theo đó, thanh toán số đạt 620 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Truyền thông trực tuyến cũng đạt mức tăng trưởng 22%, đạt 17 tỷ USD vào năm 2020. Điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng bứt phá của các nhà cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (video streaming), mức tăng trưởng đạt 12 lần ở Việt Nam và 18 lần ở Thái Lan.
Theo đánh giá, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia có ghi nhận mức tăng trưởng hai con số cho nền kinh tế số. Trong đó nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị khoảng 14 tỷ USD và dự kiến đạt 52 tỷ vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ nay đến đó là 29%. Trong bối cảnh đại dịch, kinh tế Internet tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng của là vận tải, thực phẩm, thương mại điện tử và fintech.