Vì sao McDonald’s và Burger King thất bại thảm hại tại Việt Nam?

 Vì sao McDonald’s và Burger King thất bại thảm hại tại Việt Nam?

Tờ CNBC vừa chỉ ra một vài nguyên nhân khiến McDonald’s và Burger King không thể thu hút được một lượng lớn khách hàng tại Việt Nam.

Mới đây, tờ CNBC đã có video lý giải nguyên nhân tại sao những chuỗi đồ ăn nhanh lớn bậc nhất thế giới như McDonald’s và Burger King phải chịu cảnh thất bại thảm hại tại Việt Nam.

Đầu tiên không thể phủ nhận việc các cửa hàng fastfood đang ngày một thống trị thế giới. Nếu như Burger King có tới 16.000 cửa hàng thì Mc Donald’s có hơn 36.000 cửa hàng tại hơn 100 quốc gia.

Riêng các khách hàng của Mc Donald’s có thể thưởng thức các món ăn trong nhiều không gian hết sức đa dạng, như một cabin sang trọng của máy bay đã ngừng hoạt động ở Taupo, New Zealand chẳng hạn. Thị trường đồ ăn nhanh hiện đạt giá trị 651 tỷ USD theo số liệu của IBIS World. Tuy nhiên, có một nơi mà những ông lớn này không thể chinh phục, đó là Việt Nam.

Còn nhớ thời điểm năm 2014 khi MCDonald’s mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, đã có hàng dài người xếp hàng chờ nhiều tiếng đồng hồ để được mua những chiếc bánh BigMac. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tức là sau 4 năm, McDonald’s mới chỉ có 17 cửa hàng trên cả nước.

Tình hình của Burger King cũng không khả thi hơn khi họ mới chỉ có 11 cửa hàng kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2011.

Tờ CNBC nhân định thất bại của McDonald’s và Burger King tại thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam là khá “kỳ lạ”. Không chỉ trên toàn thế giới, ở châu Á nói riêng những chuỗi này đã chứng minh được thành công vang đội ở nhiều thị trường.

Riêng tại Trung Quốc và Nhật Bản, các chuỗi này sở hữu tới hàng nghìn cửa hàng. Burger King đã nâng số lượng cửa hàng tại Nhật Bản từ con số 12 trong năm 2008 lên mức 98 vào năm 2017. Trong khi đó McDonald’s đứng thứ 2 trong số 4 chuỗi đồ ăn nhanh nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc chỉ sau KFC, Burger King đứng thứ 4.

Ở Việt Nam lại là câu chuyện hoàn toàn khác…

Khi McDonald’s vào Việt Nam vào năm 2014, họ đặt kế hoạch mở tới 100 cửa hàng trong 10 năm, nhưng cho đến nay con số mới dừng lại ở 17. Trong khi đó Burger King đầu tư tới 40 triệu USD vào Việt Nam vào năm 2012 và đặt mục tiêu có 60 cửa hàng cho tới năm 2016 nhưng con số ở thời điểm hiện tại chỉ dừng ở mức 13.

Lý do là gì?

Hảo Trần – Đồng sáng lập website Vietcetera chia sẻ với CNBC: “Các chuỗi đồ ăn nhanh nước ngoài không được ưa chuộng ở Việt Nam vì khi người Việt ăn hàng họ có thể dễ dàng mua đồ ăn ví như 1 bát phở hay 1 cái bánh mì từ những gánh hàng rong trên đường phố. Dường như các ông lớn fastfood đã đánh giá quá thấp các đối thủ tại địa phương mà họ sẽ phải cạnh tranh. Người dân ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh – nơi McDonald’s và Burger King mở cửa hàng có rất nhiều lựa chọn”.

Đầu bếp, tác giả sách Andrea Nguyễn thì cho biết: “Bánh mì truyền thống của Việt Nam có giá rất rẻ so với bánh kẹp của McDonald’s và Burger King”.

Theo số liệu của EC, người Việt chi một lượng lớn thu nhập cho thực phẩm và 78% số tiền đó được tiêu cho các hàng hoá rong ven đường, chợ truyền thống. Chỉ 1% được chi tiêu vào các cửa hàng fastfood.

Ngành dịch vụ đồ ăn của Việt Nam có hơn 540.000 cửa hàng, trong đó hơn 430.000 là những hàng bán rong và các cửa tiệm nhỏ lẻ trên phố của người dân địa phương. 80.000 cửa hàng là phục vụ cả khách ăn tại chỗ, mang về hay đặt hàng trực tuyến, gồm cả đồ ăn và đồ uống. 22.000 là các quán bar và cà phê. 7.000 trong số đó là các cửa hàng thuộc về các chuỗi fastfood.

Hảo Trần chia sẻ thêm rằng: “30 – 40 năm qua thị trường đã tăng trưởng mạnh mẽ nhưng thực chất khoảng 20 năm trở lại đây mới bùng nổ các cửa hàng ngay trên phố. Người ta chỉ cần bước ra khỏi cửa nhà là có thể được phục vụ với rất nhiều lựa chọn”.

Năm 1997, KFC mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam nhưng thời điểm đó thị trường đồ ăn ở Việt Nam đã rất sôi động. 7 năm sau, KFC cũng mới chỉ có 10 cửa hàng tại đây. Giải pháp được KFC đưa ra là thay đổi thực đơn để phù hợp hơn với khẩu vị của người dân bản địa. Trong đó món cơm gà bánh humburger là dành riêng cho thị trường Việt Nam. Kểt quả là đến nay KFC đã có 130 cửa hàng tại 21 thành phố.

Mức giá cho một bữa ăn tại KFC dường như dễ được chấp nhận ở Việt Nam hơn. So với đó giá tại các chuỗi fastfood nước ngoài, trong đó có cả McDonald’s và Burger King được cho là quá cao, chưa kể so với các cửa hàng truyền thống, khoảng cách này càng xa hơn. 1 bữa ăn tại các cửa hàng truyền thống có thể đủ cho số lượng người cao gấp đôi trong khi giá chỉ bằng một nửa.

Iny Trần – một chủ nhà hàng tại TP HCM cho biết: “Người Việt chỉ cần chi khoảng 1 – 3 USD cho mỗi bữa trưa. Mọi người thường đi theo nhóm, hôm nay vào McDonald’s, mai lại có nhiều lựa chọn đồ ăn truyền thống trên phố”.

Tuy nhiên giá cao chỉ là một phần nguyên nhân, cách phục vụ đồ ăn cũng là một lí do phổ biến. Nếu như ở Mỹ, các vị khách sẽ vào cửa hàng, chọn món mà họ thích từ thực đơn và tự đặt hàng thì ở Việt Nam thiên về hướng gia đình. Burger không bán chạy vì đây là món ăn khó chia phần. Theo doanh nhân Thomasen thì: “Có 2 nguyên tắc cơ bản, đầu tiên người Việt cần đồ ăn có thể chia được và thứ 2 là phải có gà. Khi nhìn vào chiếc burger, gà không phải là thứ tồi tệ, mà đơn giản chỉ là bởi món ăn đó không khiến người Việt thích thú”.

Điều đáng nói là tình hình tồi tệ như hiện tại chưa có dấu hiệu cải thiện trong một sớm 1 chiều. Lượng khách đến các chuỗi đồ ăn nhanh đã giảm 31% trong giai đoạn từ năm 2016 – 2018 trong khi đó, lượng khách tới các cửa hàng ven đường đã tăng tới 70% trong cùng giai đoạn. Ông Thomasen nói thêm: “Khi nhìn vào những chuỗi fastfood của Mỹ đang có mặt ở Việt Nam, có thể chia chúng thành 3 loại: Burger, gà và các món Ý. Đối với các món Ý, chúng dễ tiếp cận hơn với nhiều quốc gia châu Á bởi bạn có thể dễ dàng chia thức ăn thành nhiều phần”.

Dẫu vậy không phải mọi chuỗi fastfood nước ngoài đều thất bại ở Việt Nam. Hiện McDonald’s và Burger King chỉ chiếm 2,8% thị phần, trong khi đó KFC chiếm tới 11,4% còn Pizza Hut chiếm 21,3%.

Dù tình hình kinh doanh ảm đạm nhưng McDonald’s và Burger King chưa có ý định từ bỏ thị trường Việt Nam. Cả hai hiện đang nỗ lực điều chỉnh thực đơn cho hợp với khẩu vị người Việt.

McDonald’s là một ví dụ, họ bổ sung thêm món thịt heo nướng và trứng ốp la trong khi đó Burger King xuất hiện món cơm cá. Dẫu vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng cần phải làm nhiều hơn thế nếu muốn cạnh tranh với đồ ăn truyền thống vốn hết sức đa dạng. Nhìn chung thì McDonald’s và Burger vẫn phải đối mặt với tương lai khá u ám trong nỗ lực thoả mãn khẩu vị của người Việt.

Xem thêm: Tiêu dùng ngành thức ăn nhanh biến chuyển như thế nào đằng sau sự việc của Lotteria?

 

Good Good Report

https://goodgood.vn

Xem thêm