Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Tổng quan ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam Quý I/2023
Nội dung bài viết :
Ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam hiện nay đang trải qua sự tăng trưởng đáng kể trên đà hội nhập với thế giới. Ngành đang có những bước phát triển rất nhanh trong thời gian qua, với doanh thu năm 2023 ước đạt khoảng 876 triệu USD.
Ngành công nghiệp mới này cũng được đánh giá là có nhiều cơ hội để phát triển khi mà số lượng người sử dụng các loại hình nội dung số tăng nhưng vẫn chưa đạt mức ấn tượng.
Tổng quan chung ngành công nghiệp nội dung số
Theo báo cáo tổng hợp, tính đến quý 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương với 79,1% tổng dân số. Số kết nối di động đang hoạt động cả nước đang là 161,6 triệu kết nối, với số lượng người sử dụng mạng xã hội là 70 triệu người.
Thống kê trên các nền tảng nội dung xuyên biên giới ghi nhận, hiện nay Việt Nam có 66,2 triệu người dùng Facebook; bên cạnh đó là 63 triệu người dùng Youtube; 10,3 triệu người dùng Instagram; đến 49,86 triệu người dùng Tik Tok, và với khoảng 2 triệu thuê bao Netflix.
Có thể thấy hiện nay, Việt Nam đang có lợi thế mạnh về nguồn nhân lực trẻ, với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh cùng tính sáng tạo cao. Nhiều trường đại học hiện nay đã tham gia vào công cuộc đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp nội dung số bao gồm các chuyên ngành: thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện. Các trường Đại học có thể kể đến như: Đại học FPT, Cao đẳng truyền hình, ĐH Bưu chính viễn thông, … Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương của Chính phủ thúc đẩy kinh tế số thành ngành mũi nhọn của Việt Nam.
Dịch vụ quảng cáo số
Hiện nay, thị trường quảng cáo số tại Việt Nam được chia thành 5 loại chính là quảng cáo tìm kiếm, quảng cáo mạng xã hội, quảng cáo Banner, quảng cáo Video và quảng cáo chuyên biệt.
Trong số đó, quảng cáo tìm kiếm đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Các đơn vị cung cấp dịch vụ- giải pháp của của loại hình quảng cáo này cũng khá đa dạng, bao gồm chính các đơn vị cung cấp các nền tảng tìm kiếm, ngoài ra cũng còn có các đơn vị doanh nghiệp cung cấp các giải pháp tối ưu nội dung tìm kiếm (SEO) hoặc tìm kiếm các gói quảng cáo giá rẻ (Google ad service),…
Hiện nay, các doanh nghiệp, đơn vị làm về cung cấp các giải pháp truyền thông, quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng số đang có sự gia tăng vượt bậc tại Việt Nam do nhu cầu của ngày càng nhiều nhiều thương hiệu mới trên thị trường.
Đây cũng là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào. Với lợi thế vượt trội về tài chính và tiến bộ trong ngành công nghiệp nội dung số, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm mà các doanh nghiệp trong nước phải dè chừng. Đây vừa là thách thức vừa là động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng cập nhật, bắt kịp với những xu thế mới nhất của ngành công nghiệp nội dung số trên thế giới.
Games
Tại Đông Nam Á, Việt Nam được biết đến là một cường quốc game trong khu vực.
Theo báo cáo tổng hợp, Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 trên thế giới và thứ 2 tại Đông Nam Á về số lượng game tải về. Việt Nam đang có khoảng 10.2 triệu người chơi game, trong số đó có khoảng 69.6% số người dùng có chơi game trên di động.
Ngoài ra, Việt Nam còn đang đứng thứ 3 trên 10 các nhà sản xuất ứng dụng game của khu vực. Cứ 25 games được download thì có 1 game được sản xuất tại studio của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường game Việt Nam được đánh giá vẫn còn phân tán nhỏ lẻ, một phần do các doanh nghiệp chưa cùng hợp tác để phát huy thế mạnh của nhau. Vì thế chưa có nhiều tập đoàn lớn quan tâm đầu tư mặc dù ngành game Việt có tiềm năng hấp dẫn và có rất nhiều khía cạnh đáng được đầu tư.
Việt Nam cũng tập hợp một cộng đồng chơi game lớn và tích cực, nhiều lập trình viên tài năng, sáng tạo, cùng với nhiều doanh nghiệp có hệ sinh thái trò chơi năng động. Vì thế nếu doanh nghiệp nước ngoài ngay bây giờ có chiến lược đầu tư sáng suốt vào các đơn vị làm game của Việt Nam, đây sẽ là một cơ hội sinh lợi nhuận khổng lồ đem đến sự phát triển cho cả đôi bên.
Dịch vụ – giải pháp video theo yêu cầu
Video On Demand (VoD) hay video theo yêu cầu là nền tảng cho người dùng lựa chọn và xem/nghe nội dung video hoặc âm thanh mà họ muốn bất kỳ lúc nào trên các thiết bị được kết nối Internet, thay vì phải xem vào thời gian phát sóng cụ thể như ở trên TV truyền thống.
Theo báo cáo “Digital Media Report Video on Demand” của Statista phát hành vào năm 2022 cho biết, Việt Nam đứng thứ 2 chỉ sau Indonesia về doanh thu từ dịch vụ giải pháp video theo yêu cầu với tổng 187,4 triệu USD. Cũng dựa theo biểu đồ về lượng người dùng dịch vụ video trả phí tại Việt Nam giai đoạn 2017 – 2027 của Statista, có thể thấy lượng người dùng có xu hướng tăng đều, cụ thể là có thêm 2,4 triệu người đăng ký mới trong vòng 5 năm từ 2017 đến 2022. Theo dự đoán trên, đến năm 2027, con số này sẽ rơi vào khoảng 7,7 triệu người.
Dịch vụ âm nhạc số
Thị trường dịch vụ âm nhạc số tại Việt Nam đang thuộc về các nền tảng âm nhạc trực tuyến – chiếm lượng lớn cơ cấu doanh thu. Theo một cuộc khảo sát về âm nhạc số của Q&Me trong năm 2021, các ứng dụng âm nhạc số được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam có thể kể tới Zing Mp3 (59% lượt lựa chọn) và Nhạc của tui (34% lượt lựa chọn). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, những ứng dụng nghe nhạc nước ngoài như Apple Music hay Spotify được ưa chuộng bởi nhiều người dùng trẻ trong nước. Số lượng người dùng vẫn đang có dấu hiệu gia tăng liên tục. Đây sẽ là thách thức lớn cho các nền tảng âm nhạc số Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải có chiến lược sáng suốt để không đánh mất miếng bánh thị phần của mình.
Trên đây là tổng quan ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam trong Quý I/2023. Để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về thị trường đa lĩnh vực, vui lòng liên hệ Goodgood để được tư vấn và hỗ trợ!