Samsung mất ngôi đầu thị phần điện thoại ở 4 nước Đông Nam Á

 Samsung mất ngôi đầu thị phần điện thoại ở 4 nước Đông Nam Á

Samsung Electronics không còn là thương hiệu smartphone số 1 tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam trong quý đầu năm 2021.

Quý I/2021, thị phần gộp của Samsung tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đạt 19%, giảm so với mức 22% cùng kỳ năm trước, rơi xuống vị trí thứ hai. Trong khi đó, OPPO của Trung Quốc vươn lên giành ngôi đầu nhờ thị phần 22%, tăng so với mức 21% cùng kỳ năm 2020. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Vivo (16%), Xiaomi (13%) và Realme (11%). Apple xếp hạng 6 với 6% thị phần.

Counterpoint Research cho biết, doanh số smartphone Samsung tăng 20% tại 4 thị trường, nhưng thị phần lại giảm do các hãng điện thoại Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn. Doanh số smartphone của 4 nước tăng 34%, đạt 27 triệu máy, trong đó bán hàng trực tuyến tăng 72%, chiếm 16% tổng doanh số.

Liên quan đến Samsung, tập đoàn khổng lồ này cùng SK Hynix là trung tâm của kế hoạch 450 tỉ USD từ Chính phủ Hàn Quốc để giành ngôi vương sản xuất chip. Để chạy đua cùng Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc tiết lộ đầu tư hơn 510.000 tỉ won vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn giai đoạn đến năm 2030. Tổng cộng có 152 công ty sẽ hợp lực thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip của Hàn Quốc trong thập kỷ tới, nhằm bảo vệ ngành kinh tế quan trọng nhất đất nước.

Để mở rộng các nhà máy chip hiện có, Samsung đang tăng chi tiêu lên 30%, đạt 151 tỉ USD cho đến năm 2030, trong khi SK Hynix cam kết đầu tư 97 tỉ USD. Đồng CEO của SK Hynix Park Jung-ho cho biết khoản đầu tư trên chưa tính đến kế hoạch 106 tỉ USD để xây 4 nhà máy mới ở Yongin.

Samsung và Hynix tạo ra phần lớn chip nhớ cho thế giới, chuyên xử lý cho bộ nhớ tất cả thiết bị. Nhưng một lĩnh vực mà Hàn Quốc đang bị tụt hậu là khả năng sản xuất chip, vốn đang là thế mạnh của TSMC (Đài Loan). Vì vậy, cả Samsung và Hynix đều đặt mục tiêu thâm nhập sâu hơn vào mảng này.

Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích ngành chip bằng việc giảm thuế, giảm lãi suất, nới lỏng các quy định. Kế hoạch còn bao gồm mục tiêu đào tạo 36.000 chuyên gia chip từ năm 2022 đến năm 2031, đóng góp 1.500 tỉ won cho nghiên cứu và phát triển chip và sẽ bắt đầu thảo luận đạo luật có thể hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn.

Kế hoạch chi tiết của Hàn Quốc theo sau những nỗ lực của các cường quốc khác trên thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn dành 50 tỉ USD cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn. Trung Quốc cũng đã dành hàng trăm tỉ USD để phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các kiến trúc chip do phương Tây thiết kế.

Good Good Report

https://goodgood.vn

Xem thêm