Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Dồn dập các hãng điện gia dụng Trung Quốc muốn xâm nhập thị trường Việt
Thị trường điện gia dụng Việt Nam được đánh giá đang ngày càng chật trội và tính cạnh tranh ngày càng cao khi mới đây các thương hiệu gia dụng Trung Quốc đang tỏ rõ động thái nhảy vào thị trường Việt.
Tiềm năng của ngành hàng gia dụng Việt Nam trong thời gian tới được đánh giá là rất lớn, dư địa phát triển còn nhiều. Tuy nhiên, đi kèm đó là sức ép cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ và sản xuất trực tiếp.
Theo Bộ Công Thương, tiêu dùng vào hàng gia dụng chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân. Trong 11 nhóm ngành hàng chính thì nhóm ngành hàng gia dụng đứng thứ 4 quy mô về tiêu dùng.
Quy mô thị trường ngành hàng gia dụng Việt ước khoảng 13 đến gần 15 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10%/năm và đang thu hút thêm nhiều “người chơi” mới.
Tập đoàn Nagakawa sau 15 năm có mặt trên thị trường với khởi đầu là các sản phẩm điện lạnh đã đặt chân vào ngành hàng gia dụng Việt Nam năm 2018, với hàng trăm mặt hàng về gia dụng, điện gia dụng và thiết bị nhà bếp…
Theo bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Phó tổng giám đốc Nagakawa, nhu cầu mua sắm các thiết bị điện gia dụng, điện lạnh tại Việt Nam sẽ tăng cao và tổng mức chi tiêu dành cho sản phẩm gia dụng, thiết bị nhà bếp chiếm tỷ trọng lớn cho tới năm 2025.
Bởi ngành hàng này còn nhiều tiềm năng phát triển, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã hội của Việt Nam như dân số trẻ dẫn đến nhu cầu hàng gia dụng lớn.
Cụ thể, tiêu dùng cho đồ gia dụng độ tuổi từ 18 – 45 chiếm 57 – 60% chi tiêu toàn thị trường. Đồng thời, thu nhập người dân hiện đang tăng lên (trên 2.000 USD/người/năm), dẫn đến thay đổi nhu cầu về chất lượng, mẫu mã nhiều hơn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến đồ Made in Vietnam ngày càng tăng. Theo thống kê, trong hệ thống siêu thị của Việt Nam có đến 85 – 95% là thương hiệu Việt như Happy cook, Sunhouse, Sơn Hà, Tân Á, Điện Quang, đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường nhờ công nghệ, giá thành, hệ thống phân phối rộng khắp.
Ngoài ra, thị trường nông thôn chuyển dịch từ sử dụng các món đồ gia dụng tự chế sang sử dụng các thương hiệu Việt quen thuộc.
Trong đó, mức mua sắm các sản phẩm phổ thông tăng trưởng 40% và sản phẩm cao cấp tăng trưởng 38,5%. Điều này cho thấy người tiêu dùng nông thôn sẽ không còn trung thành với các sản phẩm phổ thông, rẻ tiền.
Hiện, các thương hiệu hàng gia dụng trong nước đang chiếm 80% thị phần hàng gia dụng, 20% thuộc về các thương hiệu ngoại.
Tuy nhiên, trong 80% thị phần các doanh nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu là hàng có xuất xứ Trung Quốc thông qua “bắt tay” với doanh nghiệp nội như Sunhouse, Kangaroo, Korihome…
Gần đây, các thương hiệu có xuất xứ từ Trung Quốc ngày càng tỏ rõ động thái thâm nhập thị trường dồn dập hơn.
Theo Ban tổ chức Triển lãm Quốc tế Điện tử Gia dụng Việt Nam (Vietnam Electrical Appliance Expo) tại TP.HCM sắp tới tiết lộ, sẽ xuất hiện hơn 100 thương hiệu đến từ Quảng Đông và Chiết Giang như: Sichuang Electric, Lijie Electric, Dingrun Electric, Weiwang Technology,…
Trong 100 doanh nghiệp này có khoảng 30% là những doanh nghiệp đáp ứng sản xuất thiết bị gốc (OEM) trong nhóm sản phẩm: Thiết bị nhà bếp, phòng tắm, điện gia dụng, thiết bị thân thiện môi trường, linh phụ kiện.
Các thương hiệu này muốn tung vào thị trường Việt Nam các sản phẩm mới cho năm 2020. Trong đó, sản phẩm có công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, tích hợp điều khiển giọng nói và cảm biến thân nhiệt là chủ đạo. Theo đó, các thương hiệu này kỳ vọng sẽ bắt tay với các nhà sản xuất Việt Nam, nhà phân phối và các công ty thương mại điện tử.
Theo Báo đầu tư
Những bài viết liên quan: