Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021
Nội dung bài viết :
Vừa qua Tổng cục Thống kê đã đưa ra báo cáo tình hình Kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021. Dưới đây là chi tiết báo cáo, mời quý độc giả theo dõi!
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%. Về sử dụng GDP quý II/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,05%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 29,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 28,53%.
GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng Tư với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011-2021[1], đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,25%, cao hơn mức tăng 2,42% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 0,11 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021[2], đóng góp 2,9 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,61%, làm giảm 0,25 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%. Ngành xây dựng tăng 5,59%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2014-2021[3], đóng góp 0,37 điểm phần trăm.
Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011-2021[4]. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của 6 tháng đầu năm 2021 như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,63% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,57 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%, làm giảm 0,02 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%).
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng đạt khá, đặc biệt là lúa đông xuân đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay ở mức 68,3 tạ/ha; chăn nuôi lợn phục hồi và chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, tổng đàn lợn và gia cầm thời điểm cuối tháng Sáu ước tăng lần lượt 11,6% và 5,4% so với cùng thời điểm năm trước. Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại các thị trường nước ngoài tăng trở lại, sản lượng tôm thẻ chân trắng 6 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
- a) Nông nghiệp
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay đạt 3.006,7 nghìn ha, bằng 99,4% vụ đông xuân năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.086,6 nghìn ha, bằng 99%; các địa phương phía Nam đạt 1.920,1 nghìn ha, bằng 99,7%. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước ước tính đạt 68,3 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng ước tính đạt 20,55 triệu tấn, tăng 673,1 nghìn tấn.
Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng 6, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.846,2 nghìn ha lúa hè thu, bằng 105,6% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.448,7 nghìn ha, bằng 104,7%. Đến nay đã có 147,7 nghìn ha diện tích lúa hè thu sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch, chiếm 10,2% diện tích xuống giống.
Đến giữa tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 558,5 nghìn ha ngô, bằng 99,1% cùng kỳ năm trước; 73,1 nghìn ha khoai lang, bằng 100,3%; 19,4 nghìn ha đậu tương, bằng 87%; 131,7 nghìn ha lạc, bằng 96,9%; 731,2 nghìn ha rau, đậu, bằng 100,9%.
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước tính đạt 3.614,3 nghìn ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước: Chè búp đạt 488,7 nghìn tấn, tăng 2,3%; cao su đạt 390,6 nghìn tấn, tăng 3%; điều đạt 342,8 nghìn tấn, tăng 4,6%; hồ tiêu đạt 271,7 nghìn tấn, tăng 3,1%. Sản lượng một số cây ăn quả đạt khá: Thanh long đạt 671,7 nghìn tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; xoài đạt 568,2 nghìn tấn, tăng 3,3%; cam đạt 326,1 nghìn tấn, tăng 3,1%; bưởi đạt 258,5 nghìn tấn, tăng 10,7%; vải đạt 154,2 nghìn tấn, tăng 7,9%, nhãn đạt 179,9 nghìn tấn, tăng 3,4%.
Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2021, tổng số trâu của cả nước giảm 3,1% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số bò tăng 2,5%; tổng số lợn tăng 11,6%; tổng số gia cầm tăng 5,4%. Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 60,9 nghìn tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2020 (quý II đạt 27,4 nghìn tấn, giảm 1%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 231 nghìn tấn, tăng 4,2% (quý II đạt 106,4 nghìn tấn, tăng 4,6%); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 2.002,2 nghìn tấn, tăng 8,1% (quý II đạt 1.003,7 nghìn tấn, tăng 8,6%); sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 932,2 nghìn tấn, tăng 6,1% (quý II ước đạt 450,5 nghìn tấn, tăng 6,1%); sản lượng trứng gia cầm đạt 8,4 tỷ quả, tăng 5% (quý II ước đạt 4 tỷ quả, tăng 5,6%); sản lượng sữa bò tươi đạt 561,1 nghìn tấn, tăng 11,2% (quý II đạt 285,5 nghìn tấn, tăng 12,8%).
Tính đến ngày 21/6/2021, cả nước không còn dịch tai xanh ở lợn; dịch cúm gia cầm còn ở Hà Nội, Cao Bằng, Hòa Bình, Tiền Giang, Đồng Tháp; dịch lở mồm long móng còn ở Sơn La, Hà Tĩnh; dịch tả lợn châu Phi còn ở 30 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở 32 địa phương chưa qua 21 ngày.
- b) Lâm nghiệp
Trong quý II/2021, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt 77,2 nghìn ha, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 20,1 triệu cây, tăng 2,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4.909,7 nghìn m3, tăng 5,9%; sản lượng củi khai thác đạt 5,4 triệu ste, bằng cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 110,4 nghìn ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 46,5 triệu cây, tăng 2,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 7.945,6 nghìn m3, tăng 5,7%; sản lượng củi khai thác đạt 9,9 triệu ste, giảm 0,1%.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, diện tích rừng bị thiệt hại là 955,6 ha, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 283,2 ha, tăng 1,0%; diện tích rừng bị chặt, phá là 672,4 ha, tăng 49,9%.
- c) Thủy sản
Sản lượng thủy sản quý II/2021 ước tính đạt 2.269,6 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.096,3 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.104,8 nghìn tấn, tăng 4,1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.991,5 nghìn tấn, tăng 1,4%.
3. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,91%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,06% của cùng kỳ năm 2020.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,45%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,84%), đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,75%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,61% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên dạng khí giảm 12,5%) làm giảm 0,25 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2021 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 26,7%); tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2021 đạt 75,2% (cùng kỳ năm trước là 81,5%); số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2021 giảm 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1% so với cùng thời điểm năm trước.
4. Hoạt động của doanh nghiệp
- a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2021 vẫn ghi nhận đánh giá tích cực khi có 68,2% số doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2021 so với quý I/2021 tốt lên và giữ ổn định.
Trong tháng 6/2021, cả nước có 11,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 164,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 71,9 nghìn người, giảm 2,5% về số doanh nghiệp, tăng 9,1% về vốn đăng ký và giảm 0,4% về số lao động so với tháng 05/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14,5 tỷ đồng, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước có 4.867 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; 3.867 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 13,7% và tăng 20,2%; 5.238 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 23,7% và tăng 36,3%; 1.919 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 50% và tăng 40,3%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484,3 nghìn lao động, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.152,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 23,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 là 2.095,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 93,2 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
- b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2021 cho thấy: Có 30,5% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý I/2021; 37,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 31,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý III/2021, có 39,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2021; 22,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
5. Hoạt động dịch vụ
Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội tại các địa bàn có sự bùng phát của dịch nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%); hoạt động vận tải hành khách tiếp tục gặp khó khăn; vận tải hàng hóa được duy trì khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh nỗ lực thực hiện để đạt “mục tiêu kép” của Chính phủ. Trong 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2021 ước tính đạt 1.177,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8,4% so với quý trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%).
Vận tải hành khách quý II năm nay ước tính đạt 844,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 37,5 tỷ lượt khách.km, tăng 23,7%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.813,5 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 26,8%) và luân chuyển 78,8 tỷ lượt khách.km, giảm 5,7% (cùng kỳ năm trước giảm 31,7%). Vận tải hàng hóa quý II năm nay ước tính đạt 439,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 91,3 tỷ tấn.km, tăng 18%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 903,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,8%) và luân chuyển 178 tỷ tấn.km, tăng 11,3% (cùng kỳ năm trước giảm 7%).
Doanh thu hoạt động viễn thông quý II/2021 ước tính đạt 78,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 158 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,3%).
Khách quốc tế đến nước ta trong 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước.
6. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán
Hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2020. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/6/2021 đạt 5,47% so với cuối năm 2020. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tích cực, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; thị trường chứng khoán tăng mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế tăng 68%.
Tính đến thời điểm 21/6/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,48% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,59%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2,45%).
Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2020 ước tính tăng 11%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 22%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%.
Tính đến hết tháng 5/2021, doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước tính đạt 512,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng tài sản của toàn thị trường bảo hiểm đạt 628,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,2%.
Tính đến hết tháng Năm, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 116,4 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 22.428 tỷ đồng/phiên, tăng 302,3%; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.622 tỷ đồng/phiên, tăng 17,2%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 24.041 tỷ đồng/phiên, tăng 90,9%.
7. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II/2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 661,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 295,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng vốn và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 660,1 nghìn tỷ đồng, bằng 56,4% và tăng 7,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 214,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% và tăng 6,7%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 804 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD, giảm 43,3% về số dự án và tăng 13,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 460 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6%; có 1.855 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,60 tỷ USD, giảm 54,3%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 624 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 772,7 triệu USD và 1.231 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 832,9 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 143,8 triệu USD, bằng 77,6% so với cùng kỳ; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 403,2 triệu USD, tăng 10,8 lần so với cùng kỳ. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 547 triệu USD, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
8. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tiến độ thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 đạt khá trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ước tính đạt 57,7% dự toán năm. Chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, ưu tiên chi cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 633,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,9%; thu từ dầu thô 18,5 nghìn tỷ đồng, bằng 79,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 122,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 501 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3%; chi đầu tư phát triển 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 28,1%; chi trả nợ lãi 56,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6%.
9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
- a) Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 giảm nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên vẫn đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%[8]. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 5/2021 đạt 26,19 tỷ USD. Ước tính tháng 6/2021 ước tính đạt 26,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu quý II/2021 ước tính đạt 79,23 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,1% so với quý I năm nay. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%. Trong 6 tháng đầu năm 2021 có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 84 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 58 tỷ USD, tăng 31,2%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 11,58 tỷ USD, tăng 15,8%; nhóm hàng thủy sản đạt 4,05 tỷ USD, tăng 12,4%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 24,4 tỷ USD, tăng 24%. Thị trường EU đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%. Thị trường ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, tăng 26%. Hàn Quốc đạt 10,5 tỷ USD, tăng 14,7%. Nhật Bản đạt 9,9 tỷ USD, tăng 6,9%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 5/2021 đạt 28,27 tỷ USD. Ước tính tháng 6/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27,5 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu quý II/2021 ước tính đạt 83,5 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,4% so với quý I năm nay. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,9 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,2 tỷ USD, tăng 39,5%. Trong 6 tháng đầu năm 2021 có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 149,32 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 72 tỷ USD, tăng 33%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 77,35 tỷ USD, tăng 40,2%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,78 tỷ USD, tăng 28%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,4 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 25,2 tỷ USD, tăng 21,1%. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, tăng 47,7%. Nhật Bản đạt 10,6 tỷ USD, tăng 12,3%. Thị trường EU đạt 8,1 tỷ USD, tăng 16,3%. Hoa Kỳ đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,5%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Năm nhập siêu 2,07 tỷ USD[9]; 5 tháng nhập siêu 0,47 tỷ USD; tháng Sáu ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD[10] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,01 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD.
- b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Trong quý II/2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 891 triệu USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 80,6%); kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt 4,8 tỷ USD, tăng 18,3% (quý I giảm 3,4%).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 1,77 tỷ USD, giảm 68,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 82 triệu USD (chiếm 4,6% tổng kim ngạch), giảm 97,4%; dịch vụ vận tải đạt 147 triệu USD (chiếm 8,3%), giảm 80,8%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 9,47 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 4,8 tỷ USD (chiếm 50,2% tổng kim ngạch), tăng 32,7%; dịch vụ du lịch đạt 1,8 tỷ USD (chiếm 19%), giảm 25,9%. Nhập siêu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 là 7,7 tỷ USD.
Trên đây là báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.