Báo cáo thị trường đường Việt Nam tháng 2/2023

 Báo cáo thị trường đường Việt Nam tháng 2/2023

Thị trường đường sau tết nguyên đán Quý Mão với sức cầu rất thấp trong khi nguồn cung đường dồi dào. Giá đường trên thị trường hiện nay cũng thấp hơn giá thành sản xuất, vì giá mua mía của các nhà máy đã ở mức cao nhất so với giá mua mía trong khu vực. Trong bài viết này, Goodgood sẽ cập nhật báo cáo thị trường đường Việt Nam tháng 2/2023. Mời bạn đọc cùng theo dõi! 

1. Tình hình sản xuất, tiêu thụ, giá đường

Theo VSSA, trong tháng 2, tất cả nhà máy của ngành đường Việt Nam đã vào vụ ép 2022 – 2023 nhưng có một vài nhà máy đã ngừng ép vì thiếu nguyên liệu mía. Sản lượng luỹ kế từ dầu vụ đã ép được 4,1 triệu tấn mía và sản xuất được 387.000 tấn đường các loại.

Tháng 2, thị trường sau kỳ nghỉ tết, sức cầu sản phẩm đường rất thấp. Ngành mía đường Việt Nam đang ở chính vụ ép 2022 – 2023. Tuy nhiên hầu hết sản lượng đường sản xuất từ mía không tiêu thụ được, nhiều nhà máy không còn chỗ chứa trong kho, phải chất đường ra ngoài.

Thị trường hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi đường nhập khẩu thuộc hạn ngạch 2022 bổ sung, đường lẩn tránh phòng vệ thương mại từ Indonesia và đường nhập lậu có xuất xứ Thái Lan từ Lào và Campuchia.

Giá đường sản xuất từ mía trong nước tuỳ phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) giá (có VAT, đồng/kg), dao động ở mức như sau:

Giá đường tại Việt Nam trong tháng 02/2023 (Đơn vị: đồng/kg, đã bao gồm VAT. Nguồn: VSSA)
Giá đường tại Việt Nam trong tháng 02/2023 (Đơn vị: đồng/kg, đã bao gồm VAT. Nguồn: VSSA)

Theo dõi diễn biến giá đường cho thấy, giá trung bình đường kính trắng và đường tinh luyện tại các khu vực giữ tiếp tục đi ngang trong tháng 2. 

 

Diễn biến giá đường trong nước qua các tháng (Đơn vị: đồng/kg, Nguồn: VSSA)
Diễn biến giá đường trong nước qua các tháng (Đơn vị: đồng/kg, Nguồn: VSSA)

Như vậy, trong tháng 2 so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước sản xuất mía đường khối ATIGA, giá đường của Việt Nam đã ở mức thấp hơn hẳn so với các đồng nghiệp, đặc biệt chỉ chưa đến 50% so với giá đường tại Philippines. 

So sánh giá đường trên thị trường nội địa các nước lân cận
So sánh giá đường trên thị trường nội địa các nước lân cận

2. Nhập khẩu đường và nạn nhập lậu

  • Nhập lậu đường từ Campuchia và Lào

Tháng 1/2023, số liệu xuất khẩu đường từ Thái Lan sang Campuchia và Lào (theo dữ liệu xuất khẩu của Thái Lan) cho thấy có sự gia tăng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong tháng 1/2033, Campuchia và Lào đã nhập khẩu đường từ Thái Lan gần 105.400 tấn, tăng 144% so với cùng kỳ năm 2022, và hầu hết số lượng đường này được nhập lậu vào Việt Nam. 

 

Đường xuất khẩu từ Thái Lan đến Campuchia và Lào trong tháng 1/2022 và tháng 1/2023 (ĐVT:Tấn)
Đường xuất khẩu từ Thái Lan đến Campuchia và Lào trong tháng 1/2022 và tháng 1/2023 (ĐVT:Tấn)

 

  • Tình hình hoạt động và kiểm soát đường nhập lậu và gian lận thương mại

Trong tháng 2, sau Tết âm lịch Quý Mão, hoạt động thương mại đường nhập lậu bùng nổ với nhiều vụ việc bị phát hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. 

Tại TP.HCM, ngày 01/02. Cục Quản lý thị trường đã phát hiện và tạm giữ gần 10 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất có dấu hiệu nhập lậu. Các bao bì đường cát này có nhãn hiệu là Thái Lan nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng việt, không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. 

Cùng thời điểm đó, kiểm tra hộ kinh doanh không có đăng ký tên hộ kinh doanh tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh tố công tác khác thuộc đội Quản lý thị trường 18 cũng đã tạm giữ 1650 kg đường cát do Thái Lan sản xuất nhập lậu.

Ngày 23/2, Cục Quản lý thị trường TP. HCM tiếp tục phát hiện và tạm giữ 22,25 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất và 16,8 tấn đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ tại hai hộ kinh doanh.

Hoạt động thương mại đường nhập lậu bùng nổ với nhiều vụ việc bị phát hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. 
Hoạt động thương mại đường nhập lậu bùng nổ với nhiều vụ việc bị phát hiện tại nhiều địa phương trong cả nước.

Lô hàng có tổng trị giá trên 676 triệu đồng. Chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đồng thời khai nhận, số hàng hóa kinh doanh tại cửa hàng được mua từ nguồn trôi nổi trên thị trường. Một số được đóng vào bao bì giấy dầu không có nhãn hiệu, không có nhãn hàng hóa, sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tại Quảng Trị, từ 6 đến 8/2, cơ quan chức năng đã phát hiện 5 vụ đường kính (cát) nhập lậu, tạm giữ 10,5 tấn đường kính, xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa với tổng trị giá 214 triệu đồng. Tại Hậu Giang, ngày 24/2, Phòng CSKT phối hợp Phòng CSGT Công an tỉnh Hậu Giang đã phát hiện 839 bao tải đường cát loại 50kg không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng.

Theo VSSA, các cơ sở sang chiết đóng gói đường tại các tỉnh biên giới Tây Nam hoạt động rất mạnh trong giai đoạn trước và sau tết.Tuy nhiên, tất cả nguồn đường của các cơ sở này đều là nhập lậu. Một số các cơ sở sang chiết đóng gói đường tại các thành phố lớn cũng hoạt động rất mạnh mẽ với hầu hết nguồn đường là đường lậu chỉ dùng một ít đường trong nước để có hoá đơn làm bình phong.

Các lực lượng chức năng quản lý thị trường đã phát hiện rất nhiều trường hợp gian lận thương mại đường nhập lậu tại các cơ sở này. Tuy nhiên hình thức xử lý chỉ là phạt hành chính nên không có tác dụng răn đe, sau đó các hoạt động lại tiếp tục diễn biến như trước. 

3. Dự báo

Theo VSSA, tồn kho đường từ năm 2022 chuyển sang cộng với nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam khiến cho tình trạng thừa cung sẽ tiếp diễn trong tháng 3/2023, vì đang là thời điểm chính vụ ép mía 2022 – 2023. 

Nếu không có biện pháp kiểm soát hữu hiệu, hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu và đường nhập khẩu lẩn tránh hàng rào phòng về thương mại, đường sản xuất từ mía có thể phải tiếp tục tồn kho hoặc giảm giá bán đường dưới giá thành để có tiền thanh toán tiền mía hoặc giảm giá mua mía của nông dân. 

Điều này dẫn đến hệ quả là huỷ hoại chuỗi liên kết mía đường giữa nông dân và nhà máy. “Lượng đường tồn kho lớn khiến giá đường tại thị trường Việt Nam trong tháng 3/2023 sẽ tiếp tục chịu sức ép lớn từ đường nhập khẩu chính ngạch và đường gian lận nhập lậu và sẽ ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía khối ATIGA (Indonesia, Philippine) và Trung Quốc” VSSA dự báo. 

Cần có biện pháp khắc phục tình trạng nhập lậu đường trong thời gian tới
Cần có biện pháp khắc phục tình trạng nhập lậu đường trong thời gian tới

Như vậy tổng kết lại có thể thấy, thị trường đường Việt Nam tiếp tục thừa cung và ép giá đường xuống mức thấp nhất so với các quốc gia lân cận. Hy vọng trong thời gian tới, thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, đồng thời dần khắc phục được tình trạng nhập lậu đường.

Trên đây là toàn cảnh báo cáo thị trường đường tháng 2/2023. Để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về đa dạng các lĩnh vực trên thị trường, vui lòng liên hệ goodgood.vn để được tư vấn và hỗ trợ!

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Website: https://goodgood.vn/

Hotline: 0973 405 082

Email: contact@actgroup.com.vn

Địa chỉ: Số 27, Ngõ 16 Hoàng Cầu, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội

 

Good Good Report

https://goodgood.vn

Xem thêm