Báo cáo ngành: Vì sao thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam đang trở thành “điểm đến vàng” của nhà đầu tư toàn cầu?

 Báo cáo ngành: Vì sao thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam đang trở thành “điểm đến vàng” của nhà đầu tư toàn cầu?

Vì sao thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam đang trở thành điểm vàng của nhà đầu tư toàn cầu

Từ làn sóng chuyển đổi số lan rộng trong các doanh nghiệp đến bức tranh khởi nghiệp sôi động và nhu cầu nhân sự tăng vọt chưa từng có, thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển bứt phá mạnh mẽ.
Nếu bạn đang tìm kiếm số liệu chính xác, xu hướng cập nhật và góc nhìn chiến lược để bắt kịp đà tăng trưởng này thì bài viết dưới đây chính là “bản đồ định hướng” dành cho bạn. Hãy cùng GoodGood khám phá bức tranh toàn cảnh về ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay nhé!

Xu hướng chuyển đổi ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam: Điểm sáng tăng trưởng giữa kỷ nguyên số

Nhờ sự thúc đẩy chi tiêu cho ngành công nghệ thông tin tăng trưởng mà từ đó, các con số trong lĩnh vực công nghiệp ICT ghi nhận tăng đột phá và được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025.

Theo Bộ TT&TT, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lĩnh vực ICT năm 2024 ước đạt lần lượt 3.878 nghìn tỷ đồng (+14,1% so với cùng kỳ) và 278 nghìn tỷ đồng (không thay đổi so với cùng kỳ). Điều này do sự bứt phá từ nhu cầu chi tiêu cho ngành CNTT dẫn đến các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư cho ngành công nghiệp này khiến lợi nhuận không thay đổi. Mục tiêu 2025, Bộ TT&TT đặt doanh thu lĩnh vực ICT ước đạt 4.320 nghìn tỷ đồng (+11,4% so với năm 2024), trong đó đóng góp vào GDP của lĩnh vực này dự kiến đạt 855 nghìn tỷ đồng (+5,3% so với cùng kỳ).

Doanh thu và LNST ngành ICT 5 năm qua
Doanh thu và LNST ngành ICT 5 năm qua

Phần cứng, điện tử vẫn chiếm tỷ trọng chính trong bức tranh ICT (khoảng 90%) với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 132,3 tỷ USD, tăng +16,8% so năm 2023 và dự kiến đạt 160 tỷ USD trong năm 2025 (+20,9% so với cùng kỳ). Con số tăng mạnh nhờ mức nền thấp của năm 2023 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và cuộc chiến tranh giữa Nga và Ucraina làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến ngành CNTT bị tác động đáng kể. Dù thị trường có nhiều biến đổi nhưng Việt Nam hiện vẫn đang giữ nhiều thứ hạng nổi bật trên toàn cầu trong năm hạng mục sản phẩm công nghệ số. Cụ thể, Việt Nam đang xếp thứ hai về xuất khẩu điện thoại thông minh, thứ năm về xuất khẩu linh kiện máy tính, thứ sáu về thiết bị máy tính, thứ tám về thiết bị và linh kiện điện tử, và thứ bảy về dịch vụ gia công phần mềm.

Kinh ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử 2020 - 2025
Kinh ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử 2020 – 2025

Đóng góp vào GDP của ngành công nghiệp ICT tại Việt Nam có xu hướng tăng trưởng rõ rệt từ năm 2023 đến kế hoạch năm 2025, sau giai đoạn sụt giảm nhẹ vào năm 2022. Cụ thể, từ mức khoảng 715 nghìn tỷ đồng năm 2022, ngành đã phục hồi lên hơn 720 nghìn tỷ năm 2023 và bứt phá mạnh mẽ lên hơn 820 nghìn tỷ vào năm 2024, hướng tới mục tiêu 855,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2025.

      Đóng góp của ICT vào GDP từ 2021 - 2025
Đóng góp của ICT vào GDP từ 2021 – 2025

Hàng loạt ngành nghề khác cũng được “hưởng lợi” trực tiếp từ làn sóng chuyển đổi số, tiêu biểu có thể kể như thương mại điện tử, logistics, ngân hàng, tài chính, giáo dục và y tế đều đã ứng dụng AI, Big Data và tự động hóa để tối ưu vận hành. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp logistics đã áp dụng phần mềm quản lý kho và hệ thống định tuyến thông minh giúp tiết kiệm tới 30% chi phí vận hành. Các ngân hàng ứng dụng công nghệ eKYC, chatbot và mobile banking để giảm chi phí nhân sự và rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng.

Không chỉ giúp tăng hiệu suất, công nghệ còn hỗ trợ giảm mạnh chi phí nhân lực nhờ tự động hóa quy trình và phân tích dữ liệu giúp các doanh nghiệp ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn. Thay vì duy trì một bộ máy nhân sự cồng kềnh để xử lý các công việc lặp lại như nhập liệu, kiểm tra đơn hàng, báo cáo bán hàng hoặc chăm sóc khách hàng cơ bản, các doanh nghiệp ngày nay có thể sử dụng RPA (Robotic Process Automation) hoặc AI chatbot để đảm nhiệm toàn bộ quy trình đó với tốc độ và độ chính xác vượt trội. Ví dụ, một AI chatbot có thể xử lý hàng ngàn cuộc hội thoại cùng lúc – điều mà trước đây cần cả một đội ngũ tổng đài viên. Đồng thời, công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) còn giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian phân tích thị trường, theo dõi hành vi người tiêu dùng và đưa ra dự báo kinh doanh. Trước đây, việc tổng hợp và phân tích một báo cáo hiệu suất cần từ 2 – 3 tuần bởi đội ngũ phân tích nội bộ. Giờ đây, các hệ thống Business Intelligence (BI) như Power BI, Tableau,… có thể trực quan hóa dữ liệu trong vài phút, hỗ trợ nhà quản trị đưa ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực có tốc độ thay đổi cao như thương mại điện tử, logistics hay bán lẻ.

Sự tăng trưởng liên tục của thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam không chỉ phản ánh năng lực nội tại ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp mà còn cho thấy mức độ gắn kết chặt chẽ giữa công nghệ và sự phát triển kinh tế quốc gia. Từ những con số tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, xuất khẩu đến đóng góp vào GDP có thể rút ra một kết luận quan trọng: Ngành công nghệ thông tin không chỉ là lĩnh vực hỗ trợ mà đã trở thành lực kéo chiến lược cho nền kinh tế số.

Thị trường tuyển dụng rộng mở nhưng khoảng trống nhân lực vẫn là bài toán nan giải

Thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ về việc làm chưa từng có. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ cao đang tăng mạnh, với mức lương cho các chuyên gia trong các lĩnh vực này liên tục gia tăng. Theo Báo cáo, mức lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam vào năm 2024 ước tính dao động từ 1.100 đến 3.000 USD mỗi tháng, tùy thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm. Đặc biệt, các vị trí chuyên sâu như kỹ sư AI và chuyên gia bảo mật thông tin có thể nhận được mức lương vượt xa con số trung bình, nhờ vào sự khan hiếm nhân lực và tầm quan trọng của những vai trò này trong các doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có gần 74.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023) với hơn 1,2 triệu lao động. Dự báo thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 3 triệu. Tuy nhiên, nguồn nhân lực vẫn là bài toán nan giải, dù ngành công nghệ thông tin được coi là một ngành được trả lương tương đối cao.

Một trong những thách thức đáng kể là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn sâu. Tính đến năm 2025, ngành công nghệ thông tin sẽ cần khoảng 700.000 nhân lực mới. Nhưng nguồn cung hiện tại từ các cơ sở đào tạo trong nước chỉ đáp ứng khoảng 500.000 người. Điều này có nghĩa Việt Nam đang thiếu khoảng 200.000 lao động có trình độ và tay nghề. Một con số không nhỏ nếu đặt trong tham vọng phát triển kinh tế số quốc gia.

Trong khi đó, mỗi năm, các trường đại học và cao đẳng dù đang đào tạo khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin, nhưng chỉ khoảng 30% có thể làm việc ngay. Phần lớn còn lại cần tiếp tục đào tạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Khoảng cách giữa chương trình đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp đang tạo ra một “lỗ hổng” lớn trong chất lượng nhân lực.

Nhu cầu thị trường CNTT 2022-2026
Nhu cầu thị trường CNTT 2022-2026

Trong bối cảnh công nghệ thông tin trở thành nền tảng cho mọi ngành nghề, nhu cầu về đội ngũ chuyên nghiệp không chỉ tăng cao mà còn trở thành điều kiện bắt buộc để vận hành hệ thống công nghệ phức tạp và đảm bảo an toàn dữ liệu. Thị trường lao động ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng đột phá nhưng cũng bộc lộ rõ khoảng trống nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt ở các vị trí chuyên môn cao như kỹ sư AI, chuyên gia bảo mật hay lập trình viên hệ thống.

Đến năm 2025, nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thực tế. Điều này không chỉ tạo ra áp lực cho hệ thống giáo dục mà còn là cơ hội vàng cho những cá nhân đang theo đuổi ngành công nghệ thông tin khi mức lương khởi điểm đã dao động từ 1.100 – 3.000 USD/tháng, chưa kể các vị trí cấp cao có thể gấp đôi.

Trong tương lai gần, doanh nghiệp không chỉ cần người biết làm mà cần những người làm được việc, vừa có kỹ năng chuyên môn, vừa hiểu thị trường, vừa biết cập nhật công nghệ mới. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các tổ chức đào tạo, rằng muốn không bị bỏ lại phía sau, họ cần rút ngắn khoảng cách giữa giảng đường và thực tiễn bằng những chương trình đào tạo sát nhu cầu doanh nghiệp. Khi công nghệ thông tin tiếp tục trở thành lực kéo chiến lược của nền kinh tế số, nhân lực chất lượng cao chính là tài sản giá trị nhất để đưa doanh nghiệp và cả quốc gia bứt phá hơn trong tương lai.

“Cơ hội vàng” khởi nghiệp ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam: Vị thế đang lên trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu

Nhìn vào các chỉ số được cập nhật đến năm 2024, có thể thấy rõ sự thăng hạng đáng kinh ngạc của Việt Nam. Từ vị trí thứ 59 trong Bảng xếp hạng khởi nghiệp toàn cầu vào năm 2020, Việt Nam đã liên tục cải thiện để đạt vị trí thứ 56 vào năm 2024. Đặc biệt, ở cấp độ khu vực, Việt Nam thể hiện một sức mạnh đáng nể. Luôn duy trì vị trí trong top đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), xếp hạng khởi nghiệp của Việt Nam ổn định ở mức thứ 13 vào năm 2020 và 2021, sau đó tăng vọt lên thứ 12 từ năm 2022 đến 2024. Điều này khẳng định Việt Nam không chỉ là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ mà còn là một trong những thủ phủ khởi nghiệp hàng đầu trong khu vực APAC.

Sự vươn lên của Việt Nam càng được củng cố khi xét đến vị trí trong khu vực Đông Nam Á (SEA). Với việc đứng thứ 5 trong số các quốc gia tốt nhất cho khởi nghiệp tại SEA, Việt Nam chứng tỏ mình là một trong những nền kinh tế tiên phong trong việc nuôi dưỡng và phát triển các startup. Đây là một minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam so với các quốc gia láng giềng.

Ngoài ra, khả năng đổi mới của các startup Việt Nam còn được thể hiện qua sự công nhận từ các tổ chức quốc tế uy tín. Cụ thể, Việt Nam tự hào đứng thứ 31 trên toàn cầu về số lượng startup được chấp nhận vào Y Combinato. Điều này không chỉ là một con số mà còn là một lời khẳng định về chất lượng, sự sáng tạo và khả năng thích ứng của các ý tưởng khởi nghiệp Việt Nam trên sân chơi toàn cầu. Việc được chấp nhận vào Y Combinator không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn là cơ hội tiếp cận với mạng lưới cố vấn, chuyên gia và công nghệ hàng đầu, giúp các startup Việt Nam có thêm động lực để phát triển vượt bậc.

Cơ hội vàng khời nghiệp ngành CNTT tại Việt Nam
Cơ hội vàng khời nghiệp ngành CNTT tại Việt Nam

Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng gay gắt, yêu cầu về đổi mới và tốc độ thích nghi với công nghệ mới đòi hỏi startup phải có chiến lược rõ ràng, sản phẩm độc đáo và khả năng mở rộng nhanh chóng. Những ngách nhỏ trong công nghệ thông tin như ứng dụng AI trong giáo dục, phân tích dữ liệu cho doanh nghiệp SMEs, công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa, bảo mật thông tin cá nhân, phần mềm quản trị dành riêng cho từng ngành nghề n chính là “mảnh đất màu mỡ” cho các startup công nghệ có tư duy đột phá.

Sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin không chỉ tạo ra làn sóng đổi mới trong cấu trúc nền kinh tế mà còn mở ra hàng loạt cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, để nắm bắt được tiềm năng ấy, cần có sự chuẩn bị bài bản về chiến lược, nguồn nhân lực và khả năng thích ứng công nghệ. Nếu bạn là doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân đang tìm kiếm giải pháp để bắt kịp xu thế công nghệ tại Việt Nam, đừng bỏ lỡ cơ hội hành động ngay từ hôm nay. Liên hệ với GoodGood ngay để được cung cấp báo cáo chuyên sâu, phân tích chiến lược và tư vấn giải pháp công nghệ phù hợp nhất cho doanh nghiệp của bạn!

Good Good Report

https://goodgood.vn

Xem thêm