Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Áp dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
(Chinhphu.vn) – Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn mới đã đề cập đến thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.
Công nghệ luôn là phương thức và công cụ mạnh nhất để xây dựng một xã hội thịnh vượng vượt trội. Ảnh minh họa
Công nghệ luôn là phương thức và công cụ mạnh nhất để xây dựng một xã hội thịnh vượng vượt trội trong mọi thời đại. Trong lịch sử của mình, xã hội loài người đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghệ và đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.
Với nền tảng và sự nổi trội của mình, có thể nói kỹ thuật số sẽ chinh phục đời sống thế giới vì tính phổ thông trong sử dụng cùng tính lan toả tới mọi lĩnh vực trong xã hội với chi phí ngày càng giảm cho người sử dụng cũng như thúc đẩy đổi mới để tạo ra sản phẩm mới lạ.
Kỹ thuật số giúp thay đổi phương thức sản xuất và giao dịch giữa các thực thể trong nền kinh tế và con người nên có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, kinh tế khu vực, từng quốc gia và các địa phương.
Tác động qua lại giữa áp dụng kỹ thuật số và tăng trưởng kinh tế
Kỹ thuật số theo nghĩa rộng được hiểu là kỹ thuật thông tin truyền thông (ICT) bao gồm các kỹ nghệ hợp thành như: Máy tính điện tử, chương trình phần mềm, internet, băng thông rộng, điện thoại di động …
Các nghiên cứu về mối tương quan giữa đầu tư phát triển kỹ thuật số với tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) giai đoạn 1980-2011 cho thấy cứ tăng 10 điểm phần trăm trong sử dụng điện thoại di động dẫn tới GDP tăng 0,21 điểm phần trăm ở các nước thu nhập cao và tăng 0,4 điểm phần trăm ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Tương tự, hiệu quả sử dụng internet trong sản xuất kinh doanh dẫn đến tăng trưởng GDP ở các nước OECD đang phát triển cao hơn các nước phát triển. Cụ thể trong giai đoạn 1980-2011, cứ tăng 10 điểm phần trăm sử dụng internet trong sản xuất kinh doanh dẫn tới GDP tăng 1,35 điểm phần trăm đối với các nước đang phát triển so với tăng 1,19 điểm phần trăm đối với các nước phát triển. Đặc biệt tăng 10 điểm phần trăm tỷ lệ sử dụng băng thông rộng dẫn tới GDP bình quân đầu người tăng 1,38 điểm phần trăm ở các nước đang phát triển và tăng 1,21 điểm phần trăm ở các nước phát triển.
Đối với nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp (DN), phát triển và áp dụng kỹ thuật số đem lại một số lợi ích như: Thúc đẩy hoạt động phổ biến và ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sử dụng nguồn lực; giảm chi phí sản xuất, kích cầu tiêu dùng và đầu tư; thúc đẩy thương mại quốc tế, giảm chi phí giao dịch; tạo nền tảng cho các nước đang phát triển bắt kịp các nước phát triển bằng việc nâng cao năng suất theo phương thức “nhảy cóc”; thúc đẩy tiếp cận thị trường; giảm sự mất cân đối thông tin giữa người mua và nhà cung cấp, giảm chi phí môi giới…
Hiện nay, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến DN buộc phải nỗ lực thích ứng với công nghệ số. Áp dụng công nghệ số làm cho DN nâng cao khả năng tiếp cận thông tin để vững tin trong việc ra quyết định; nâng cao hiệu quả phối hợp trong sản xuất kinh doanh và cơ hội hoà vào mạng lưới sản xuất kinh doanh trong nước, khu vực và thế giới; giúp DN duy trì mối quan hệ kinh doanh với các đối tác… Điều này sẽ giúp DN không bị gián đoạn trong sản xuất, kinh doanh, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Nỗ lực áp dụng công nghệ số để phát triển
Trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật…), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới – kinh tế số, xã hội số, Chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.
Đây vừa là mục tiêu, vừa là thách thức cho công cuộc chuyển đổi số của các DN Việt Nam do việc chuyển đổi số trong các DN nước ta còn rất khiêm tốn.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, hiện cả nước chỉ có khoảng 15% DN đang áp dụng chuyển đổi số và chỉ các DN lớn mới có bộ phận CNTT, còn các DN nhỏ vẫn hạn chế. Nguyên nhân là do phần lớn các DN có quy mô nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào quá trình chuyển đổi số vì gặp khó khăn về vốn, nhưng cũng có một phận DN coi đây là câu chuyện của DN lớn do chi phí đầu tư cao, hạ tầng CNTT, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế…
Một nguyên nhân khác là các quy định và quy tắc của DN không phù hợp với số hóa; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động và lãnh đạo DN…
Với thực trạng này, việc chuyển đổi số nên triển khai từ những khâu nhỏ nhất. trong đó, đòi hỏi đội ngũ lao động phải có kỹ năng phù hợp. Các DN phải sắp xếp lại quy trình sản xuất; cơ cấu lại tổ chức; đào tạo, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hợp lý (một thực tế tại Brazil cho thấy các DN áp dụng kỹ thuật số có được năng suất tăng chỉ sau khi đã minh bạch cơ cấu tổ chức của DN).
Để thực hiện thành công việc minh bạch cơ cấu và sắp xếp lại tổ chức đòi hỏi người lao động phải trách nhiệm, chủ động và tự chủ hơn.
Hiện nay, áp dụng kỹ thuật số cũng giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là xu thế không thể đảo ngược. Công nghệ kỹ thuật số sẽ lan nhanh và mạnh hơn, vì vậy giải pháp duy nhất đúng đó là đưa ra các chính sách thông minh nhằm tối đa hoá lợi ích của công nghệ kỹ thuật số, đồng thời giảm thiểu những bất cập, gián đoạn ngắn hạn không thể tránh khỏi. Cần tập trung vào các chính sách, giải pháp đáp ứng những thay đổi về tổ chức do cuộc cách mạng kỹ thuật số mang đến.
Trong bối cảnh quốc tế thay đổi sâu sắc và toàn diện, trong đó có tác động của đại dịch COVID -19, với tốc độ phát triển rất nhanh của công nghệ số, với thực tiễn tiềm lực kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, để áp dụng công nghệ kỹ thuật số, trước mắt, chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng và thực hiện một số giải pháp.
Theo đó, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển và áp dụng kỹ thuật số; chiến lược đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; tạo căn cứ pháp lý, nguồn lực tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển và áp dụng kỹ thuật số, đồng thời đào tạo cung cấp lực lượng lao động có chuyên môn, kỹ năng tốt, phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, áp dụng kỹ thuật số của nền kinh tế.
Đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, có cơ chế truy cập, chia sẻ thông tin những cơ sở dữ liệu này cho các đối tượng sử dụng phù hợp. Bên cạnh đó, thiết lập và vận hành đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin thị trường cho các tổ chức kinh tế và người tiêu dùng nhằm giảm bất cập và tác hại do thông tin không đầy đủ gây ra.
Khẩn trương xây dựng nền tảng kỹ thuật số vững mạnh, phù hợp với đặc trưng và cơ cấu kinh tế nước ta, đồng thời bắt nhịp được tiến trình phát triển và áp dụng kỹ thuật số của thế giới. Ở lĩnh vực này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ TT&TT, Bộ KH&CN cùng các tập đoàn viễn thông lớn, tiềm lực mạnh.
Khẩn trương triển khai chương trình truyền thông nhằm phổ biến quan điểm, mục tiêu, các giải pháp thực hiện phát triển và áp dụng kỹ thuật số; đặc biệt phổ biến, đào tạo cho các tổ chức và khu vực doanh nghiệp hiểu rõ những nội dung về phát triển và áp dụng kỹ thuật số ở Việt Nam phù hợp với đặc trưng riêng của từng tổ chức, với khu vực doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp nhằm cung cấp, hỗ trợ tín dụng cho các tổ chức, đặc biệt là khu vực DN thực hiện xây dựng và áp dụng kỹ thuật số trong hoạt động, sản xuất kinh doanh, đồng thời hội nhập tiến trình áp dụng kỹ thuật số trên thế giới.
Trong điều kiện hạn chế về nguồn nhân lực và vật lực, Chính phủ cần xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trước, tránh đầu tư dàn trải để tạo cơ sở và nền tảng cho phát triển áp dụng công nghệ kỹ thuật số.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác nhằm áp dụng hiệu quả và phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của nước ta.
TS. Nguyễn Bích Lâm
(Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)