Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Tác động của COVID-19 đối với ngành Du lịch có thể gây thiệt hại hơn 4 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu
Theo Báo cáo của UNCTAD công bố ngày 30/6, GDP toàn cầu có thể bị thiệt hại lên đến hơn 4 nghìn tỷ USD do những tác động của đại dịch COVID-19 riêng đối với ngành Du lịch và các lĩnh vực khác có liên quan trong 2 năm 2020 và 2021.
Báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) được xây dựng với sự tham gia của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) ước tính, Du lịch và các lĩnh vực liên quan chặt chẽ với ngành Du lịch toàn cầu bị thiệt hại khoảng 2,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020 do lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm mạnh. Tháng 7/2020, UNCTAD dự báo, thời gian du lịch quốc tế đình trệ sẽ kéo dài từ 4 đến 12 tháng, khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại từ 1,2 nghìn tỷ USD đến 3,3 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên trên thực tế, thiệt hại còn nặng nề hơn dự kiến với thời gian đình trệ đã kéo dài 15 tháng, lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 giảm khoảng 1 tỷ lượt khách, tương đương với con số giảm 73% so với năm 2019. Hơn nữa, trong quý I/2021, UNWTO công bố mức suy giảm khách du lịch quốc tế lên đến 88% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các nước đang phát triển gánh chịu tác động lớn nhất với việc sụt giảm lượng khách quốc tế từ 60% đến 80%. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á; trong khi những khu vực bị ảnh hưởng ít hơn là Bắc Mỹ, Tây Âu và Caribe.
Theo Báo cáo của UNCTAD, năm 2021, ngành Du lịch thế giới sẽ gánh chịu mức sụt giảm doanh thu từ 1,7 nghìn tỷ đến 2,4 nghìn tỷ USD so với mức đạt được của năm 2019. Tuy vậy, những ước tính này mới chỉ dựa trên số lượng khách du lịch quốc tế giảm mà chưa tính đến các chương trình kích thích kinh tế có thể góp phần làm giảm tác động của đại dịch đối với du lịch toàn cầu. Báo cáo đưa ra ba kịch bản dự báo cho lượng khách quốc tế trong năm 2021. Mức dự báo xấu nhất là khách du lịch quốc tế trên phạm vi toàn cầu giảm 75%, dẫn đến doanh thu từ khách du lịch quốc tế giảm xuống còn 948 tỷ USD, khiến GDP toàn cầu thực tế mất đi 2,4 nghìn tỷ USD. Kịch bản thứ hai đưa ra giả định lượng khách du lịch quốc tế giảm 63%, thấp hơn so với dự báo của UNWTO. Và kịch bản thứ ba theo tính toán của UNCTAD dự báo giảm 75% lượng khách du lịch ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp và giảm 37% ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, chủ yếu là các nước phát triển.
3 kịch bản giảm doanh thu so với năm 2019 của ngành Du lịch toàn cầu năm 2021 phân theo nhóm nước phát triển và đang phát triển (nguồn: UNCTAD)
UNCTAD cho rằng, sự phục hồi của ngành Du lịch sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc phổ biến vắc xin COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. “Thế giới cần một nỗ lực tiêm chủng toàn cầu để bảo vệ người lao động, giảm thiểu các tác động xã hội bất lợi và đưa ra các quyết định chiến lược liên quan đến du lịch”, Quyền Tổng Thư ký UNCTAD Isabelle Durant cho biết. Với việc tiêm phòng COVID-19, ngành Du lịch sẽ phục hồi nhanh hơn ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, mức độ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế bằng với trước COVID-19 sẽ khó có thể thể xảy ra cho đến năm 2023 hoặc có thể còn muộn hơn. Theo các chuyên gia UNWTO, rào cản chính cho sự phục hồi hoạt động du lịch quốc tế, bên cạnh việc phân phối không đồng đều vắc xin là những hạn chế đi lại, chậm trễ trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát của vi rút, niềm tin của khách du lịch thấp và môi trường kinh tế kém. Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili khẳng định, “Du lịch là cứu cánh cho hàng triệu người và việc thúc đẩy tiêm chủng để bảo vệ cộng đồng, hỗ trợ khởi động lại an toàn du lịch là rất quan trọng để phục hồi việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết, đặc biệt là ở các nước phụ thuộc nhiều vào hoạt động du lịch quốc tế”.
Theo vtr.org.vn