Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2021

 Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2021

Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng quý bao gồm 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.975 doanh nghiệp ngành xây dựng được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành chế biến, chế tạo và xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, hoạt động SXKD của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2021 vẫn có những dấu hiệu tích cực. Có 68,2% số doanh nghiệp nhận định rằng hoạt động SXKD quý II/2021 so với quý I/2021 tốt lên và giữ ổn định (30,5% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và 37,7% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định), 31,8% doanh nghiệp cho rằng SXKD khó khăn hơn[1]. Niềm tin của doanh nghiệp đối với Chính phủ trong quản lý, điều hành nền kinh tế gia tăng khi có tới 77,8% doanh nghiệp dự báo quý III/2021 so với quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định (39,2% tốt hơn, 38,6% giữ ổn định), tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn là 22,2%.

1. Tổng quan chung về hoạt động sản xuất kinh doanh
Quý II/2021, Việt Nam một lần nữa đối mặt với dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố. Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp, chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19. Dưới đây là một số nhận định chung về tình hình SXKD của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II và dự báo quý III năm 2021.

(1) Các yếu tố ảnh hưởng đến SXKD: nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp trong quý II/2021, có 52,7% doanh nghiệp lựa chọn tính cạnh tranh của hàng trong nước cao là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp; 49,3% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; 32,1% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 27,3% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 26,7% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; 25,8% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 22,2% doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 19,5% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 19,0% doanh nghiệp đánh giá do thiết bị công nghệ lạc hậu; 11,0% doanh nghiệp đánh giá do chính sách pháp luật của nhà nước; 5,4% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận vốn vay và thiếu năng lượng là nhân tố ít ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp với 1,9% doanh nghiệp lựa chọn.

(2) Chỉ số cân bằng: chỉ số cân bằng thể hiện số phần trăm doanh nghiệp nhận định tăng trừ đi số phần trăm doanh nghiệp nhận định giảm. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD của doanh nghiệp. Các chỉ số cân bằng thành phần (đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm) đánh giá về từng hoạt động SXKD cụ thể của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chỉ số cân bằng tổng quan xu hướng SXKD: Chỉ số cân bằng chung quý II/2021 so với quý I/2021 là -1,3% (30,5% tăng, 31,8% giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực FDI cao nhất với 7,6% (35,3% tăng, 27,7% giảm), khu vực doanh nghiệp nhà nước 4,0% (32,3% tăng, 28,3% giảm), khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -5,4% (28,3% tăng, 33,7% giảm). Chỉ số cân bằng quý III/2021 so với quý II/2021 là 17,0% (39,2% tăng, 22,2% giảm), khu vực FDI cao nhất với 23,6% (42,1% tăng, 18,5% giảm), khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 14,8% (38,4% tăng, 23,6% giảm), khu vực doanh nghiệp nhà nước 11,5% (35,6% tăng, 24,1% giảm).

Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới: Chỉ số cân bằng về đơn đặt hàng mới quý II/2021 so với quý I/2021 là -0,4% (29,6% doanh nghiệp nhận định tăng và 30,0% doanh nghiệp nhận định giảm). Trong đó, chỉ số cân bằng của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đạt cao nhất với 8,5%, khu vực doanh nghiệp nhà nước 6,4%, thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với -4,8%. Chỉ số cân bằng quý III/2021 so với quý II/2021 là 16,1% (37,1% doanh nghiệp dự báo tăng và 21,0% doanh nghiệp dự báo giảm), khu vực FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 21,8%, khu vực doanh nghiệp nhà nước 14,9% và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 13,7%.

Chỉ số cân bằng sử dụng lao động: Chỉ số cân bằng về sử dụng lao động ở quý II/2021 so với quý I/2021 là -8,7% (11,9% doanh nghiệp nhận định tăng và 20,6% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng cao nhất ở khu vực doanh nghiệp FDI -3,0% (18,4% doanh nghiệp nhận định tăng, 21,4% doanh nghiệp nhận định giảm), khu vực doanh nghiệp nhà nước -9,5% (10,1% tăng, 19,6% giảm), thấp nhất là khu vực ngoài nhà nước với -10,9% (9,4% tăng, 20,3% giảm). Chỉ số cân bằng quý III/2021 so với quý II/2021 là 3,4% (16,5% tăng và 13,1% giảm), khu vực FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 10,9%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 0,8% và khu vực doanh nghiệp nhà nước -1,3%.

Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất: Chỉ số cân bằng về khối lượng sản xuất ở quý II/2021 so với quý I/2021 là 3,9% (34,1% tăng và 30,2% giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với 12,6% (39,3% tăng, 26,7% giảm), khu vực doanh nghiệp nhà nước 10,4% (35,0% tăng, 24,6% giảm) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -0,1% (31,9% tăng, 32,0% giảm). Chỉ số cân bằng quý III/2021 so với quý II/2021 là 19,2% (40,0% tăng, 20,8% giảm), khu vực FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 25,4%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 17,0% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 15,7%.

Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm: Chỉ số cân bằng về tồn kho thành phẩm quý II/2021 so với quý I/2021 là -8,1% (21,4% tăng và 29,5% giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với -4,4% (24,0% tăng, 28,4% giảm), khu vực doanh nghiệp nhà nước -8,1% (20,6% tăng, 28,7% giảm) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -9,7% (20,3% tăng, 30,0% giảm). Chỉ số cân bằng quý III/2021 so với quý II/2021 là -15,1% (15,2% tăng, 30,3% giảm), khu vực FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với -11,5%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -16,3% và khu vực doanh nghiệp nhà nước -18,8%.

2. Biến động của các yếu tố đầu vào
2.1. Số lượng đơn đặt hàng
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng là nhân tố quan trọng dẫn đến khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp tăng trở lại. Theo kết quả khảo sát chung trong quý II/2021, có 70,0% số doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý I/2021 (29,6% tăng và 40,4% giữ nguyên), 30,0% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới giảm[2]. Dự báo số lượng đơn hàng mới quý III/2021 so với quý II/2021, 79,0% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (37,1% tăng và 41,9% giữ nguyên), 21,0% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới giảm. Số lượng đơn đặt hàng mới 6 tháng cuối năm 2021 so với 6 tháng cuối năm 2020 được dự báo khả quan hơn với 83,1% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (43,6% tăng, 39,5% giữ nguyên).

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý II/2021 tăng so với quý I/2021 như: ngành sản xuất thuốc lá 46,7%; ngành sản xuất kim loại 43,4%; ngành sản xuất trang phục 36,1%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý II/2021 giảm so với quý I/2021 như: ngành sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc và thiết bị 40,5%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 38,9%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 36,8%…

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng nhẹ là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của khách hàng ở nước ngoài đang dần cải thiện. Trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát, có 70,7% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý II/2021 tăng và giữ nguyên so với quý I/2021 (27,0% tăng và 43,7% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có đơn hàng xuất khẩu mới giảm là 29,3 %[3]. Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý III/2021 khả quan hơn với 79,4% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (32,8% tăng và 46,6% giữ nguyên), 20,6% doanh nghiệp dự báo giảm. Dự báo 6 tháng cuối năm 2021 so với 6 tháng cuối năm 2020, có 82,8% doanh nghiệp cho rằng tỷ lệ đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên (36,6% tăng, 46,2% giữ nguyên), 17,2% doanh nghiệp dự báo giảm.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng xuất khẩu quý II/2021 tăng so với quý I/2021 như: ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 39,4%; ngành sản xuất kim loại 39,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác 34,0%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng xuất khẩu quý II/2021 giảm so với quý I/2021 như: ngành in, sao chép bản ghi các loại 44,6%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 38,0%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy 36,8%…

2.2. Sử dụng lao động
Đánh giá chung về tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không lạc quan như chỉ tiêu đơn đặt hàng. Cụ thể là 11,9% doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý II/2021 so với quý I/2021 tăng, 67,5% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 20,6% doanh nghiệp đánh giá giảm[4]. Dự báo số lượng lao động ở quý III/2021 so với quý II/2021 khả quan hơn với 86,9% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (16,5% tăng và 70,4% giữ nguyên), 13,1% doanh nghiệp dự kiến quy mô lao động giảm. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2021 so với 6 tháng cuối năm 2020 được kỳ vọng nhiều việc làm hơn cho lao động, có 87,2% doanh nghiệp dự báo tình hình sử dụng lao động tăng và giữ nguyên (24,2% tăng và 63,0% giữ nguyên).

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý II/2021 tăng so với quý I/2021 như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 22,1%; ngành sản xuất kim loại 19,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác 18,3%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý II/2021 giảm so với quý I/2021 như: ngành sản xuất trang phục 29,9%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 25,0%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 23,6%…

2.3. Chi phí sản xuất

Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chi phí sản xuất tăng. Theo nhận định của các doanh nghiệp về chi phí sản xuất, có 91,0% số doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm chính quý II/2021 so với quý I/2021 tăng và giữ nguyên (30,8% tăng và 60,2% giữ nguyên), 9,0% doanh nghiệp đánh giá giảm[5]. Dự báo quý III/2021 so với quý II/2021 có 89,8% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (23,9% tăng và 65,9% giữ nguyên), 10,2% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất giảm.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất quý II/2021 tăng so với quý I/2021 như: ngành sản xuất thuốc lá 44,4%; ngành sản xuất kim loại 38,9%; ngành sản xuất xe có động cơ 38,4%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất quý II/2021 giảm so với quý I/2021 như: ngành sản xuất thiết bị điện 15,3%; ngành xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 13,4%; ngành sản xuất đồ uống 13,1%…

2.4. Công suất sử dụng máy móc, thiết bị
Trong quý II/2021, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo là 74,0%[6]. Trong số những doanh nghiệp tham gia đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị quý II/2021, có 47,9% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị trong khoảng từ 70% đến dưới 90%; 26,0% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 90% đến 100%; 18,0% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 50 đến dưới 70% và 8,1% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng dưới 50%.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có công suất sử dụng máy móc, thiết bị quý II/2021 cao như: ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 81,0%; ngành sản xuất sản phẩm thuốc lá 78,8%; ngành sản xuất trang phục 78,7%… Một số ngành có công suất sử dụng máy móc, thiết bị quý II/2021 thấp như: ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị 68,8%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm 70,0%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tre nứa (trừ giường tủ bàn ghế) 70,3%…

3. Dự kiến kết quả đầu ra
3.1. Khối lượng sản xuất
Kết quả khảo sát quý II/2021, có 69,8% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý I/2021 (34,1% tăng và 35,7% giữ nguyên), 30,2% doanh nghiệp đánh giá giảm[7]. Khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo quý III/2021 so với quý II/2021, có 79,2% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (40,0% tăng và 39,2% giữ nguyên), 20,8% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý II/2021 tăng so với quý I/2021 như: ngành sản xuất kim loại 46,2%; ngành sản xuất thiết bị điện 42,4%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 42,0%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý II/2021 giảm so với quý I/2021 như: ngành sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc và thiết bị 40,8%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 38,5%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 38,2%…

3.2. Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm
Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý II/2021 của nhiều doanh nghiệp tăng hơn so với quý I/2021, một phần nguyên nhân của sự tăng nhẹ này là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên là 90,4% (20,1% tăng và 70,3% giữ nguyên), 9,6% doanh nghiệp nhận định giảm[8]. Tỷ lệ này ở quý III/2021 so với quý II/2021 là 91,5% (17,2% tăng và 74,3% giữ nguyên), có 8,5% doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân giảm.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân trên một đơn vị sản xuất quý II/2021 tăng so với quý I/2021 như: ngành sản xuất kim loại 40,5%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm 25,6%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) 24,9%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý II/2021 giảm so với quý I/2021 như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 15,3%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 14,8%; ngành dệt 13,1%…

4. Biến động về tồn kho
4.1. Tồn kho thành phẩm
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, có 21,4% số doanh nghiệp nhận định khối lượng thành phẩm tồn kho quý II/2021 tăng so với quý I/2021, 49,1% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 29,5% đánh giá giảm[9]. Dự báo quý III/2021 so với quý II/2021, 15,2% doanh nghiệp dự báo tăng, 54,5% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên khối lượng thành phẩm tồn kho, 30,3% doanh nghiệp dự báo giảm khối lượng thành phẩm tồn kho.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm quý II/2021 tăng so với quý I/2021 như: ngành sản xuất đồ uống 33,9%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 32,1%; ngành sản xuất xe có động cơ 31,4%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm quý II/2021 giảm so với quý I/2021 như: ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 35,4%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) 34,5%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm 32,9%…

4.2. Tồn kho nguyên vật liệu
Có 70,7% doanh nghiệp đánh giá tồn kho nguyên vật liệu quý II/2021 so với quý I/2021 tăng và giữ nguyên (18,9% tăng và 51,8% giữ nguyên), 29,3% doanh nghiệp đánh giá giảm[10]. Quý III/2021 so với quý II/2021, có 70,1% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng và giữ nguyên (14,0% tăng và 56,1% giữ nguyên), 29,9% doanh nghiệp dự kiến giảm khối lượng tồn kho nguyên vật liệu.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tồn kho nguyên vật liệu quý II/2021 tăng so với quý I/2021 như: ngành sản xuất xe có động cơ 29,1%; ngành sản xuất đồ uống 27,7%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 27,5%… Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tồn kho nguyên vật liệu quý II/2021 giảm so với quý I/2021 như: ngành hóa chất và sản phẩm hóa chất 35,0%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm 33,2%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) 31,6%…

Trên đây là báo cáo sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2021. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho quý khách hàng thông tin hữu ích.

Good Good Report

https://goodgood.vn

Xem thêm