Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Báo cáo về thương mại, giá cả, vận tải và du lịch tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021
Nội dung bài viết :
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 gây ra các ảnh hướng khá lớn cho nhiều ngành khác nhau. Cùng Goodgood tổng hợp báo cáo về thương mại, vận tải và du lịch trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 nhé!
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước tính đạt 393,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 318,2 nghìn tỷ đồng, giảm 1,7% và tăng 0,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 34,3 nghìn tỷ đồng, giảm 13,4% và giảm 11,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 387 tỷ đồng, giảm 53,5% và giảm 17,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 40,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% và giảm 2,7%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27% (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,56%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 1.670,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,1% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,1%). Trong đó, phương tiện đi lại tăng 11,3%; lương thực, thực phẩm tăng 9%; may mặc tăng 7,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2021 của một số thành phố như sau: Cần Thơ tăng 10,7%; Hải Phòng tăng 9,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Hà Nội tăng 7,6%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 196,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng mức và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 20,7%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Thanh Hóa tăng 8,7%; Cần Thơ tăng 8,6%; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 7,4%; Hải Phòng tăng 5,8%;
Thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,6%; Hà Nội giảm 1,2%; Quảng Ninh giảm 5,2%; Bắc Ninh giảm 27%.
Doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế đồng thời người dân vẫn lo lắng về dịch bệnh nên hạn chế đi du lịch. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2021 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 85,6%; Quảng Nam giảm 68,4%; Thừa Thiên – Huế giảm 48,8%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 46,7%;
Bắc Ninh giảm 38,1%; Bình Định giảm 33%; Hà Nội giảm 29,7%; Quảng Ninh giảm 16,6%; Hải Phòng giảm 14,3%; Cần Thơ giảm 13,6%.
Doanh thu dịch vụ khác 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 214,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng mức và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu của Quảng Nam tăng 19,3%; Hà Nội và Bình Định cùng tăng 14,8%; Hưng Yên tăng 11,3%; Bình Dương tăng 8,5%; Hải Phòng tăng 7,1%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,9%; Cần Thơ tăng 2,6%; Khánh Hòa giảm 1,1%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 5/2021 bị ảnh hưởng bởi làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính vẫn tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 369 triệu USD.
Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4/2021 đạt 26,55 tỷ USD, cao hơn 1,05 tỷ USD so với số ước tính.
Ước tính tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,96 tỷ USD, giảm 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,04 tỷ USD, giảm 2,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Năm tăng 35,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 43%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%.
Trong 5 tháng đầu năm 2021 có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,8%), trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 21,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD, tăng 26%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,9 tỷ USD, tăng 74,8%; hàng dệt may đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15%; giày dép đạt 8,5 tỷ USD, tăng 26,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,6 tỷ USD, tăng 61,3%.
Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng nông, thủy sản 5 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%; rau quả đạt 1,8 tỷ USD, tăng 18%; hạt điều đạt 1,3 tỷ USD, tăng 4,9% (lượng tăng 18,3%); cao su đạt 923 triệu USD, tăng 93,9% (lượng tăng 58,7%); sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 533 triệu USD, tăng 27,5% (lượng tăng 15,6%); hạt tiêu đạt 387 triệu USD, tăng 25,2% (mặc dù lượng giảm 15,6% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng do giá xuất khẩu tăng); chè đạt 78 triệu USD, tăng 10,4% (lượng tăng 6,5%).
Bên cạnh đó, có một số mặt hàng giảm: Gạo đạt 1,5 tỷ USD, giảm 0,7% (lượng giảm 11,3%); cà phê đạt 1,3 tỷ USD, giảm 5% (lượng giảm 11,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 70,7 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 47,32 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 36,1% (tăng 0,6 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 9,69 tỷ USD, tăng 13,5% và chiếm 7,4% (giảm 1,1 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12% và chiếm 2,5% (giảm 0,4 điểm phần trăm).
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.
Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4/2021 đạt 27,78 tỷ USD, cao hơn 775 triệu USD so với số ước tính.
Ước tính tháng 5/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 2,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,9 tỷ USD, tăng 0,1%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Năm tăng 56,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 41,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 66,5%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,51 tỷ USD, tăng 39,9%.
Trong 5 tháng đầu năm 2021 có 27 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 45,3%), trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,4 tỷ USD (chiếm 20,9% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,7 tỷ USD, tăng 35,9%; điện thoại và linh kiện đạt 7,5 tỷ USD, tăng 51,3%; vải đạt 6 tỷ USD, tăng 33%; chất dẻo đạt gần 5 tỷ USD, tăng 50,6%; sắt thép đạt 4,6 tỷ USD, tăng 37,9%; kim loại thường đạt 3,6 tỷ USD, tăng 50,5%; ô tô đạt 3,6 tỷ USD, tăng 69,9%; sản phẩm chất dẻo đạt 3,4 tỷ USD, tăng 24,5%; hóa chất đạt 3,2 tỷ USD, tăng 60,1%; sản phẩm hóa chất đạt 3 tỷ USD, tăng 35,6%.
Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 123,15 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 58,8 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 44,8% (giảm 1,1 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 64,35 tỷ USD, tăng 40,5% và chiếm 49% (tăng 1,4 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 8,16 tỷ USD, tăng 29,5% và chiếm 6,2% (giảm 0,3 điểm phần trăm).
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,3 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 20,9 tỷ USD, tăng 20,5%; thị trường ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tăng 54,2%; Nhật Bản đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường EU đạt 6,7 tỷ USD, tăng 16,8%; Hoa Kỳ đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 4/2021 nhập siêu 1,23 tỷ USD; 4 tháng xuất siêu 1,63 tỷ USD; tháng Năm ước tính nhập siêu 2 tỷ USD. Ước tính 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 369 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%.
Trong mức tăng 0,16% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 0,76% (làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 27/4/2021 và ngày 12/5/2021 làm chỉ số giá xăng tăng 2,12%, dầu diezen tăng 2,8%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4% (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào; bên cạnh đó chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 2,54% và 1,27% do nhu cầu tiêu dùng tăng; giá dầu hỏa tăng 5,07%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cùng tăng 0,09% chủ yếu do thời tiết nắng nóng khi vào hè làm nhu cầu giải khát và tiêu dùng các mặt hàng như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04% (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực giảm 0,09%; thực phẩm giảm 0,05%; riêng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,31% chủ yếu do trong tháng có kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5. Nhóm giáo dục tăng 0,03%, trong đó giá văn phòng phẩm tăng 0,25%.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp lan rộng tại nhiều địa phương, người dân tăng mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch làm giá các loại thuốc tăng 0,03%.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,23% chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm 0,7%, bên cạnh đó, giá nhóm cây, hoa cảnh giảm 2,05% do thời tiết thuận lợi, đang rộ mùa.
Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,15% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01%.
Lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/5/2021 tăng 4,38% so với tháng 4/2021. Các đồng tiền kỹ thuật số sụt giá mạnh, dòng tiền có xu hướng đổ vào thị trường vàng; đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm là những yếu tố tạo đà cho vàng tăng giá. Bên cạnh đó, giới đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của Mỹ và các nước châu Âu cũng làm tăng tính hấp dẫn của vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm do giới đầu tư lo ngại về lạm phát của Mỹ gia tăng. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12/2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách và hàng hóa
Trong tháng Năm, hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Vận tải hành khách tháng Năm giảm 14,9% về lượng hành khách vận chuyển và giảm 15,9% về lượng hành khách luân chuyển so với tháng trước; vận tải hàng hóa chỉ tăng 2,8% về sản lượng vận chuyển và tăng 2,7% về sản lượng luân chuyển. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vận chuyển hành khách tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng nhẹ 0,1% và vận chuyển hàng hóa tăng 10,5%, luân chuyển hàng hóa tăng 11,2%.
Vận tải hành khách tháng 5/2021 ước tính đạt 287,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 14,9% so với tháng trước và luân chuyển 13 tỷ lượt khách.km, giảm 15,9%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.594,9 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 26,8%) và luân chuyển 69,8 tỷ lượt khách.km, tăng 0,1% (cùng kỳ năm trước giảm 31,7%), trong đó vận tải trong nước đạt 1.594,8 triệu lượt khách, tăng 4,4% và 69,3 tỷ lượt khách.km, tăng 14,7%; vận tải ngoài nước đạt 90 nghìn lượt khách, giảm 96,7% và 467,4 triệu lượt khách.km, giảm 95%.
Xét theo ngành đường, vận tải hành khách đường bộ 5 tháng đạt 1.476,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước và 54,3 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 7,1%; đường thủy nội địa đạt 99,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 13,8% và luân chuyển đạt 1,8 tỷ lượt khách.km, tăng 12,5%; hàng không đạt 14,7 triệu lượt khách, tăng 16,9% và luân chuyển 13 tỷ lượt khách.km, giảm 21,1%; đường biển đạt 3,1 triệu lượt khách, tăng 17,8% và 174,8 triệu lượt khách.km, tăng 21%; đường sắt đạt 1,2 triệu lượt khách, giảm 34% và 481,2 triệu lượt khách.km, giảm 41,3%.
Vận tải hàng hóa tháng 5/2021 ước tính đạt 139,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,8% so với tháng trước và luân chuyển 30,1 tỷ tấn.km, tăng 2,7%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 739 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 8%) và luân chuyển 146,2 tỷ tấn.km, tăng 11,2% (cùng kỳ năm trước giảm 7,5%), trong đó vận tải trong nước đạt 726,2 triệu tấn, tăng 11% và 85,5 tỷ tấn.km, tăng 26%; vận tải ngoài nước đạt 12,8 triệu tấn, giảm 10,8% và 60,7 tỷ tấn.km, giảm 4,5%.
Xét theo ngành vận tải, hầu hết các ngành đường trong 5 tháng đầu năm nay đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải hàng hóa đường bộ đạt 567,1 triệu tấn vận chuyển, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước và 41,6 tỷ tấn.km luân chuyển, tăng 14,7%; đường thủy nội địa đạt 134,8 triệu tấn, tăng 14,4% và 31,7 tỷ tấn.km, tăng 23,5%; đường biển đạt 34,5 triệu tấn, tăng 9,7% và 69,8 tỷ tấn.km, tăng 5,3%; đường sắt đạt 2,3 triệu tấn, tăng 11,7% và 1,5 tỷ tấn.km, tăng 7,3%; riêng đường hàng không mặc dù sản lượng vận chuyển đạt 171,5 nghìn tấn, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng luân chuyển chỉ đạt 1,6 tỷ tấn.km, giảm 11,9%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta tháng 5/2021 đạt 13,4 nghìn lượt người, giảm 30,8% so với tháng trước và giảm 40,6% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 81 nghìn lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 5/2021 ước tính đạt 13,4 nghìn lượt người, giảm 30,8% so với tháng trước và giảm 40,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 71,6% lượng khách đến trong tháng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 81 nghìn lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 50,5 nghìn lượt người, chiếm 62,4% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 98,3%; bằng đường bộ đạt 30,3 nghìn lượt người, chiếm 37,4% và giảm 94,5%; bằng đường biển đạt 193 lượt người, chiếm 0,2% và giảm 99,9%.
Trong 5 tháng đầu năm nay, khách đến từ châu Á đạt 71,6 nghìn lượt người, chiếm 88,4% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 97,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt gần 34,1 nghìn lượt người, giảm 96,3% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 16,9 nghìn lượt người, giảm 97,9%; Đài Loan 6,2 nghìn lượt người, giảm 96,8%; Lào 4,3 nghìn lượt người, giảm 88,5%; Nhật Bản đạt gần 4,2 nghìn lượt người, giảm 97,9%. Khách đến từ châu Âu trong 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 6,1 nghìn lượt người, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Mỹ đạt gần 2,2 nghìn lượt người, giảm 99,1%; khách đến từ châu Úc đạt 590 lượt người, giảm 99,4%; khách đến từ châu Phi đạt 590 lượt người, giảm 95,1%.