Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Báo cáo xu hướng du lịch Việt Nam 2021
Nội dung bài viết :
Đã có rất nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong năm 2020, tuy nhiên COVID-19 đã thu hút hết mọi sự chú ý. Ngành du lịch toàn cầu chứng kiến những kỷ lục sụt giảm chưa từng có. Mọi thứ dường như bị ngưng lại bởi những chính sách đóng cửa, giãn cách xã hội, tự cách ly. Ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch làm cho ngành du lịch và lữ hành đối mặt với một tương lai với nhiều thay đổi nhanh chóng và toàn diện. Dưới đây là báo cáo xu hướng du lịch Việt Nam 2021 cập nhật mới nhất.
Tổng quan ngành du lịch toàn thế giới
Theo dự báo của Mobility Market Outlook (MMO), bất chấp cuộc khủng hoảng năm 2020, lượng khách toàn cầu giảm và kinh doanh thua lỗ, thị trường du lịch và lữ hành toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn sau đại dịch vào năm 2023 và đạt được những con số doanh thu kỷ lục. Cũng theo MMO, doanh thu du lịch và lữ hành toàn cầu cho năm 2021 được dự báo sẽ tăng hơn 50% so với năm 2020. Các kỷ lục doanh thu mới có thể được mong đợi từ năm 2023 trở đi; vào năm 2025, các chuyên gia MMO thậm chí còn dự đoán mức tăng trưởng doanh thu sẽ đạt gần 23% so với thành công của năm 2019.
Mặc dù việc hạn chế đi lại đã bước đầu được nới lỏng, các điểm đến cũng đã từng bước mở cửa trở lại trong một vài tháng trở lại đây nhưng các kịch bản hướng tới tương lai vẫn cho thấy lượng khách và doanh thu từ du lịch liên vùng có thể sẽ tiếp tục đà suy giảm. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào tốc độ lây lan của đại dịch và không có một điều gì chắc chắn ở thời điểm hiện tại. Ngành du lịch sẽ không chỉ phải đối mặt với những thách thức vẫn còn đang ở phía trước tuỳ thuộc diễn biến của đại dịch mà ở đó còn là cách thức phục hồi niềm tin của người tiêu dùng.
Các tác động của đại dịch Covid đến ngành du lịch Việt Nam
Trong năm 2019, du lịch Việt Nam đạt được những kỳ tích “vàng” trong tăng trưởng khi thu hút được 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), doanh thu du lịch đạt khoảng 720 ngàn tỷ đồng. Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới (Tổng cục Thống kê).
Năm 2020, Việt Nam chỉ đón 56 triệu lượt khách nội địa và 3,8 triệu lượt khách quốc tế khiến cho Tổng thu Du lịch ước tính âm 530 ngàn tỷ đồng. Xét về ngành lưu trú, gần 1/5 tổng số cơ sở lưu trú phải đóng cửa, mức công suất phòng trung bình cả nước thấp kỉ lục khi chỉ đạt 20 – 25%. Riêng đối với ngành dịch vụ lữ hành, theo Tổng cục Du lịch, đã có gần 340 doanh nghiệp lữ hành phải xin thu hồi giấy phép kinh doanh trong năm 2020.
Xu hướng du lịch Việt Nam 2021
Ngành du lịch trong năm 2020 bị ảnh hưởng bởi bốn tác động chính về vắc-xin, chính sách du lịch của các nước, kinh tế và môi trường. Hiện nay, số ca nhiễm COVID-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng trong khi WHO cảnh báo về sự kiệt sức từ hệ thống y tế của các nước, do đó việc có được vắc-xin cùng với chính sách du lịch của các nước được xem như là những yếu tố tiên quyết sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch của du khách. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế cũng sẽ là yếu tố làm thay đổi xu hướng đi du lịch của du khách; khi thu nhập giảm sút, du khách sẽ bắt đầu tìm kiếm những điểm đến và trải nghiệm ít tốn kém hơn. Năm 2020 không chỉ đánh dấu sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 mà còn là sự xuất hiện của những thảm họa về môi trường gây ra từ biến đổi khí hậu trên khắp thế giới khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải di dời. Chính những sự kiện này kết hợp với một năm đối mặt với đại dịch đã làm thế giới nâng cao hơn nhận thức và có trách nhiệm hơn với vấn đề môi trường.
– Du lịch theo hướng giãn cách xã hội
Việc đi du lịch hiện nay có rất nhiều hạn chế về điểm đến, khả năng di chuyển và hạn chế tiếp xúc khiến cho cách thức đi du lịch của du khách phải thay đổi. Du lịch theo hướng giãn cách xã hội để thích nghi với tình hình sẽ là trào lưu năm 2021. Du khách theo xu hướng du lịch này sẽ lựa chọn các điểm đến vắng vẻ gần với nơi mình sinh sống để có thể tự sắp xếp chuyến đi nhưng vẫn đảm bảo được an toàn trước tình hình dịch bệnh.
– Du lịch theo nhóm nhỏ
Nếu nói du lịch theo hướng giãn cách xã hội là cách du khách tự túc đi du lịch, thì du lịch theo nhóm nhỏ là cách các du khách đi theo tour thích ứng với bối cảnh hiện tại. Khác với năm 2019, một tour du lịch thông thường có đến 20 – 30 người, du lịch theo tour trong năm 2021 sẽ có quy mô nhỏ hơn nhằm hạn chế rủi ro lây lan của dịch bệnh. Thêm vào đó, việc đến các điểm đến nổi tiếng đông đúc đang ngày càng bị hạn chế, thay vào đó là các nhu cầu về việc đi du lịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn về sức khoẻ.
– Sự xuất hiện của phân khúc khách có trách nhiệm hơn
Cuộc khủng hoảng COVID-19 không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại ngành du lịch mà còn để khách du lịch nhìn lại về cách thức đi du lịch của mình. Chính điều này đã hình thành nên một phân khúc khách du lịch mới – nhóm du khách có ý thức. “Trách nhiệm” là từ được dùng để miêu tả nhóm du khách này, khi họ sẽ ngày càng có xu hướng cân nhắc cẩn trọng hơn đối với mỗi sự lựa chọn của mình. Đây là nhóm du khách mong muốn nhìn thế giới theo một cách khác, khao khát có được những trải nghiệm và ký ức độc đáo, nhưng không gây ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương và môi trường sống.
– Du lịch hướng tới chăm sóc sức khỏe
Du lịch hướng đến sức khoẻ không phải là xu hướng mới trong ngành du lịch, tuy nhiên, trong thời đại dịch, sự mệt mỏi và căng thẳng gần như đã trở thành điều quen thuộc đối với mọi người. Vì vậy, việc tìm kiếm một chuyến đi nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ sau khi đại dịch được kiểm soát sẽ là một xu hướng trong năm 2021.
Trên đây là xu hướng du lịch 2021. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.
Xem thêm: 5 xu hướng du lịch Việt Nam năm 2021 để du lịch vào thời điểm hết dịch!