Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Báo cáo nghiên cứu thị trường khách du lịch Mỹ
Nội dung bài viết :
I/ Đặc điểm du khách Mỹ
1.1.Tổng quan
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có dân số 330 triệu người và là một quốc gia đa dạng trên nhiều phương diện. Về mặt địa lý, đây là quốc gia lớn thứ 3 trên thế giới, trải dài cả khu vực Bắc Mỹ. Từ Bắc đến Nam, từ bờ Đông sang bờ Tây, Mỹ được biết đến là nơi hội tụ những nền văn hoá và lối sống khác biệt. Người Mỹ chia sẻ một số giá trị văn hoá chung, tuy nhiên để tiếp cận được thị trường này, cần phải hiểu được đặc tính của người Mỹ sống ở những tiểu bang ‘đỏ’ (mang tính bảo thủ) và tiểu bang ‘xanh’ (mang tính tự do), cũng như trải nghiệm văn hoá khác nhau ở mỗi nơi.
Sau đây là danh sách những tiểu bang có tỉ lệ du lịch nước ngoài cao nhất cả nước:
- Các tiểu bang phía Nam Đại Tây Dương (chủ yếu là Florida, Georgia, Virginia, Washington, D.C., Maryland và North Carolina) chiếm 24%
- Các tiểu bang Trung Đại Tây Dương (New York, New Jersey và Pennsylvania), chiếm 20%
- Các tiểu bang Đại Tây Dương (California và Washington) chiếm 18%
- Các tiểu bang phía Trung-Tây (chủ yếu là Texas) chiếm 9%
- Các tiểu bang Trung-Đông Bắc (chủ yếu là Illinois, Ohio và Michigan) chiếm 9%
- Khu vực New England (Connecticut, Massachusetts) chiếm 7%
- Khu vực cao nguyên (Nevada, Arizona và Colorado) chiếm 6%.
Ngoài sự khác biệt về văn hoá và địa lý, khoảng cách kinh tế giữa các bang ở Mỹ cũng khá lớn. Thu nhập bình quân đầu người ở mức $55.322. Quốc gia này có người dân sống dưới ngưỡng nghèo khổ, và những tỷ phú giàu nhất thế giới. Như vậy, thị trường khách du lịch bao gồm cả khách có ngân sách thấp cũng như khách hạng sang.
Đại bộ phận dân số Mỹ nằm trong độ tuổi 25-64 (chiếm 39,29%), đây cũng là độ tuổi đi du lịch nước ngoài nhiều nhất. Dưới đây là bảng phân tích dân số theo độ tuổi theo báo cáo Thông tin Toàn cầu của CIA
- 0-14 tuổi: 18,62%
- 15-24 tuổi: 13,12%
- 25-54 tuổi: 39,29%
- 55-64 tuổi: 12,94%
- Trên 65 tuổi: 16,03%
Hầu hết người dân Mỹ thường lựa chọn du lịch nội địa vì nước Mỹ có nhiều danh lam thắng cảnh & trải nghiệm du lịch phong phú trải dài khắp 50 bang, từ vùng núi, bãi biển cho đến các công viên quốc gia và sa mạc. Thực tế là chỉ có 42% người Mỹ có hộ chiếu du lịch quốc tế; tuy nhiên kể cả với tỉ lệ này, nước Mỹ vẫn là thị trường du lịch nước ngoài lớn thứ hai trên thế giới đứng sau Trung Quốc, đóng góp 135 tỉ đô. Thị trường Mỹ đang phát triển mạnh với mức chi tiêu cho du lịch tăng nhanh nhất từ trước đến nay ở mức 9% vào năm 2017 so với cùng kỳ năm trước đó.
Trong năm 2017, các điểm đến du lịch nước ngoài phổ biến nhất của thị trường Mỹ, ngoài Canada và Mexico, bao gồm Vương quốc Anh (3,8 triệu chuyến đi), Cộng hoà Dominica (2,7 triệu chuyến), Pháp (2,6 triệu chuyến), Ý (2,3 triệu chuyến), và Đức (2,2 triệu chuyến). 6.899.000 người Mỹ đã du lịch các nước Châu Á vào năm 2017, tăng 4% so với năm 2016.
Vì nước Mỹ quá đa dạng, phong cách du lịch của người Mỹ cũng rất phong phú. Du khách Mỹ có nhiều lựa chọn du lịch khác nhau, từ thám hiểm, đến du lịch xa xỉ, khám phá thành phố, thiên nhiên, thư giãn tại các resort, và du lịch tìm kiếm bản thân. Khi du lịch nước ngoài, người Mỹ tìm kiếm những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt với du lịch trong nước. Họ thích khám phá về văn hoá, hoà mình vào cuộc sống địa phương và tìm cơ hội học hỏi từ chính các hướng dẫn viên hoặc chuyên gia bản địa.
1.2. Nhu cầu du lịch
Người Mỹ ưu tiên an toàn, sự thoải mái và sức khoẻ khi họ đi du lịch, đặc biệt là khi đến những đất nước họ cảm thấy hoàn toàn khác biệt với nước Mỹ. Những tiêu chuẩn về tiện nghi hiện đại, mức an toàn trong khu vực cũng như vấn đề vệ sinh đều được người Mỹ cân nhắc đến trước khi chọn điểm đến du lịch. Mặc dù họ muốn có trải nghiệm chân thực khi du lịch, họ không muốn đánh đổi sự tiện nghi của bản thân. Vì lý do này, nhiều du khách Mỹ lựa chọn những thương hiệu khách sạn họ biết đến và tin tưởng.
Người Mỹ cũng quan tâm đến chất lượng dịch vụ tốt và giá cả hợp lý khi chọn địa điểm du lịch. Họ muốn chắc chắn rằng họ đang nhận được nhiều quyền lợi nhất có thể từ khoản đầu tư bỏ ra cho du lịch.
Ở các quốc gia không nói tiếng Anh, họ cần sự hỗ trợ của hướng dẫn viên nói được tiếng Anh trong chuyến đi để bảo đảm trải nghiệm được thuận tiện hơn. Công ty lữ hành thường sẽ cung cấp thị thực nhập cảnh tại sân bay cho du khách Mỹ để quá trình thị thực được dễ dàng. Họ luôn yêu cầu xe đưa đón tại sân bay để giảm bớt cú shock văn hoá khi mới đến Việt Nam.
1.3. Thời gian và sở thích du lịch
Người Mỹ nghỉ trung bình 17,2 ngày/năm trong năm 2017, tăng gần nửa ngày (0,4) so với năm 2016. Trong số ngày nghỉ này, 8 ngày được dành cho du lịch. Dưới đây là bảng tính thời gian nghỉ phép theo từng thế hệ tại Mỹ
bảng tính thời gian nghỉ phép theo từng thế hệ tại Mỹ
Số ngày nghỉ phép | Số ngày đi du lịch | % thời gian dành cho du lịch | |
Trung bình | 17.2 | 8.0 | 46.5% |
Millennials | 14.5 | 7.1 | 48.9% |
Thế hệ X | 17.9 | 8.2 | 45.8% |
Boomers | 19.8 | 9.0 | 45.5% |
Người Mỹ đi nghỉ quanh năm; tuy vậy các gia đình có con nhỏ thường đi nghỉ vào mùa hè (tháng 6 đến tháng 8) hoặc quanh lễ Giáng Sinh (2 tuần cuối tháng 12) khi học sinh không phải đi học ở trường.
Với những du khách đến với Châu Á, họ thường du lịch trong khoảng dưới 10 ngày. Một số khách có khả năng chi trả cao hơn có thể ở đến 14 ngày. Trong khoảng thời gian này, họ sẽ du lịch từ 2 đến 3 nước. Những du khách đến Việt Nam có thể sẽ sang cả Lào và Cambodia.
Với số ngày nghỉ ngắn, người Mỹ thường lên lịch trình du lịch khá bận rộn từ sáng đến tối để khám phá và thực sự hoà vào cuộc sống địa phương tại quốc gia họ đến.
Khi đi du lịch, người Mỹ muốn có những trải nghiệm chân thực. Theo quan sát của các công ty lữ hành Châu Á, du khách Mỹ thích gặp gỡ người dân địa phương, nói chuyện với những chuyên gia bản địa và thử những món ăn địa phương chất lượng cao, được chuẩn bị một cách an toàn và sạch sẽ. Những du khách có mức chi trả cao sẵn sàng đầu tư để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật từ các chuyên gia bản địa. Rất nhiều du khách Mỹ sẽ tránh xa địa điểm họ coi là ‘bẫy du khách’ và tìm những nơi mang đến trải nghiệm địa phương hơn.
Người Mỹ sẵn sàng tiêu tiền tại các nhà hàng địa phương hoặc quán ăn đường phố có vệ sinh an toàn thực phẩm tốt. Khi đi mua sắm, họ tìm kiếm những món quà lưu niệm được sản xuất tại địa phương hoặc đặc trưng cho vùng miền họ đang du lịch. Hầu hết du khách sẽ tránh những thương hiệu đã có ở Mỹ.
II/ Du khách Mỹ tại Việt Nam
2.1. Dữ liệu du lịch nước ngoài tại Châu Á & Việt Nam
Trong năm 2017, tổng cộng 6.899.000 du khách Mỹ đã đến du lịch Châu Á. Vì chưa có dữ liệu đầy đủ cho năm 2017, sau đây là danh sách theo thứ tự các quốc gia người Mỹ đến du lịch nhiều nhất năm 2016:
- Trung Quốc (1.295.000 lượt khách)
- Ấn Độ (1.202.000 lượt khách)
- Nhật Bản (971.000 lượt khách)
- Philippines (912.000 lượt khách)
- Thái Lan (561.000 lượt khách)
- Hong Kong (548.000 lượt khách)
- Hàn Quốc (522.000 lượt khách)
- Đài Loan (522.000 lượt khách)
- Việt Nam (337.000 lượt khách)
- Singapore (211.000 lượt khách)
Việt Nam đang đứng thứ 9 trong danh sách những quốc gia người Mỹ đến du lịch nhiều nhất tại Châu Á và chiếm 5.5% thị phần của khu vực này. Mỹ đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia đóng góp nhiều nhất vào tổng chi tiêu du lịch nội địa ở Việt Nam với 791.386.208 triệu đô, đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2017, 463.405 khách du lịch Mỹ đã đến thăm Việt Nam, tăng 9,9% so với năm 2016. Trung bình mỗi du khách Mỹ tiêu $1.432 khi du lịch tại đây.
2.2. Lý do du lịch Việt Nam
Nhìn chung, người Mỹ du lịch để thăm bạn bè/người thân (45.2%) và đi nghỉ (31.5%).
Một lợi thế lớn của Việt Nam với thị trường Mỹ là sự kết nối về mặt lịch sử giữa hai cuộc gia trong cuộc chiến tranh chống Mỹ; vì vậy, nhiều người Mỹ coi Việt Nam là điểm đến hàng đầu khi du lịch tại Châu Á. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ sở hạ tầng tốt và nhiều lựa chọn khám phá cho khách du lịch, về cả văn hoá, lịch sử và thiên nhiên.
Một lợi thế nữa của Việt Nam là trình độ tiếng Anh tốt hơn các nước Châu Á khác, giúp du khách Mỹ có trải nghiệm dễ dàng hơn khi lên kế hoạch du lịch cũng như trong hành trình. Người Mỹ thường có ấn tượng tốt về Việt Nam và giới thiệu cho bạn bè hoặc người thân đến Việt Nam.
2.3. Rào cản du lịch Việt Nam
Hai rào cản lớn nhất cho du khách Mỹ tại Việt Nam là quá trình xin thị thực và thiếu hụt chuyến bay thẳng từ những thành phố ở Mỹ. Không hề có chuyến bay thẳng nào từ bất cứ thành phố nào của Mỹ đến Việt Nam, khiến việc du lịch đến Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn với thị trường này. Đặc biệt là khi người Mỹ có ít thời gian nghỉ lễ, điều này cắt ngắn thời gian du lịch của họ tại Việt Nam.
Người Mỹ quen với việc du lịch thoải mái và thuận tiện, đặc biệt là những người lên kế hoạch du lịch muộn. Các du khách trong độ tuổi 60 hoặc 70 thường lên kế hoạch sớm hơn, nhưng các cặp đôi trẻ, các cặp đôi đồng tính và nhóm nhỏ thường đến sát ngày mới mua vé.
Theo những công ty lữ hành, sự phát triển quá nhanh của Việt Nam đôi khi cũng là rào cản cho một số du khách, cụ thể là họ lo ngại người bán hàng rong, ăn xin thường đeo bám và nói thách đối với khách du lịch.
Một thử thách khác là nhiều du khách Mỹ chỉ đến du lịch Việt Nam 1 lần. Các công ty lữ hành mong muốn khuyến khích du khách quay lại để khám phá thêm các thành phố và điểm đến ít người biết hơn.
2.4. Các điểm đến phổ biến nhất
Người Mỹ muốn khám phá sự khác biệt giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, cũng như thăm vịnh Hạ Long, Hội An, và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ở các tỉnh phía Bắc, họ thường thích khám phá lịch sử và phong cảnh thiên nhiên. Đây là khu vực hấp dẫn nhất với khách du lịch Mỹ theo như các công ty lữ hành; tuy nhiên cũng có du khách muốn dành một vài ngày ở TP. Hồ Chí Minh. Thường thì TP. Hồ Chí Minh được coi là một đô thị đã phát triển, vì vậy không phải ai cũng thích du lịch ở đây.
Các hoạt động du lịch phổ biến nhất
Nhìn chung, các hoạt động thư giãn phổ biến nhất đối với du khách Mỹ là mua sắm (80,3%), ngắm cảnh (78,4%), thăm các thành phố nhỏ hoặc vùng quê (40,7%), thăm quan di tích lịch sử (34,8%), các điểm đến có người dân tộc và văn hoá địa phương (34,2%), trải nghiệm ẩm thực cao cấp (33,4%), công viên quốc gia hoặc tượng đài (32,2%), triển lãm nghệ thuật/bảo tàng (25,5%), các tour có hướng dẫn viên (25,1%), thăm bảo tàng, công viên giải trí (18,3%) và giải trí về đêm (17,7%).
Cụ thể, ở Việt Nam, người Mỹ có xu hướng tận hưởng các hoạt động cho phép họ tìm hiểu về văn hoá địa phương, bao gồm tour khám phá lịch sử, tìm hiểu ẩm thực đường phố trên xe máy, nói chuyện với chuyên gia bản địa (đối với du khách hạng sang), thám hiểm (bằng xe đạp hoặc đi bộ đường dài) với các yếu tố văn hoá như thăm đền chùa, trải nghiệm nghệ thuật thủ công truyền thống của Việt Nam. Một số du khách Mỹ cũng tham gia vào các tour dành cho cựu chiến binh để tìm hiểu nhiều hơn về cuộc chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Hoạt động mua sắm không phải là ưu tiên hàng đầu khi du lịch Việt Nam so với những quốc gia khác trong Châu Á.
III/ Các kết luận chính
3.1. Quảng bá các trải nghiệm địa phương chân thực ở Việt Nam cho du khách Mỹ
Việt Nam có nhiều trải nghiệm du lịch hấp dẫn để du khách có thể tìm hiểu về văn hoá, bao gồm tour với chuyên gia bản địa, giao lưu với người dân tộc thiểu số, lớp học nấu ăn, tour đi xe máy… Hoạt động tiếp thị đến thị trường Mỹ cần làm nổi bật những trải nghiệm người Mỹ không thể tìm thấy ở các điểm đến trong nước hoặc quanh khu vực.
3.2. Quảng bá văn hoá ẩm thực phong phú theo vùng miền
Người Mỹ ưu tiên dành ngân sách du lịch để tận hưởng ẩm thực địa phương, đặc biệt là các món ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, cần tập trung quảng bá những trải nghiệm ẩm thực đa dạng quanh đất nước, để khách du lịch Mỹ hiểu mỗi món ăn và hương vị đều khác biệt tại những vùng miền ở Việt Nam.
3.3. Cân bằng giữa sự phát triển cơ sở hạ tầng mang đến trải nghiệm tiện nghi, thoải mái cho du khách và những đặc trưng văn hoá địa phương độc đáo.
Người Mỹ luôn quan tâm đến sự tiện nghi khi chọn điểm đến du lịch. Việt Nam cần nhấn mạnh việc cơ sở hạ tầng du lịch đang ngày càng phát triển để đảm bảo tiện nghi và an toàn cho du khách; tuy nhiên vẫn giữ được những trải nghiệm truyền thống ở từng địa phương, vì nhiều du khách không muốn chỉ đi du lịch ở các khu vực đô thị phát triển.
3.4. Du khách Mỹ thường chỉ đến du lịch Việt Nam một lần và không quay lại. Cần khuyến khích du khách quay lại bằng những trải nghiệm độc đáo ở địa điểm chưa nhiều người biết tới.
Một công ty lữ hành cho biết hầu hết du khách Mỹ đều có ấn tượng tốt về du lịch Việt Nam; tuy nhiên họ lại không trở lại lần nữa. Công ty này cũng gợi ý quảng bá nhiều hơn các thành phố và điểm đến chưa được nhiều khách du lịch biết đến để khuyến khích họ quay lại khám phá.
3.5. Nhiều công ty lữ hành hiện nay chưa chủ động tiếp thị tới nhóm khách hàng thuộc thế hệ millennial (18-35 tuổi)
Ba công ty lữ hành được phỏng vấn đều cho biết hiện nay tại thị trường Mỹ, họ chủ yếu tiếp thị tới đối tượng khách hàng thuộc thế hệ baby boomer (50-70 tuổi) và khách hàng có khả năng chi trả cao. Trong tương lai, thế hệ millennial (18-35 tuổi) sẽ là đối tượng khách hàng chính, vì vậy cần quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, những hoạt động khám phá và trải nghiệm độc đáo của Việt Nam.
3.6. Quá trình thị thực và sự thiếu hụt các chuyến bay thẳng là rào cản lớn nhất cho du lịch Việt Nam.
Những du khách lớn tuổi thường lên kế hoạch sớm và có nhiều thời gian để đặt trước cho chuyến đi đến Việt Nam. Tuy vậy, đây không phải là điểm đến lý tưởng cho những du khách lên kế hoạch muộn hoặc người có ít thời gian đi nghỉ, vì họ sẽ cần đầu tư nhiều thời gian để tổ chức chuyến đi. Bên cạnh đó, với đối tượng khách này, họ có thể du lịch đến các quốc gia láng giềng trong khu vực Châu Á mà không cần thị thực. Khi quá trình xin thị thực được dễ dàng hơn và du khách có thể bay thẳng từ Mỹ đến Việt Nam, số lượng du khách Mỹ đến đây sẽ có thể tăng mạnh hơn.
IV/ Tài liệu
- Interview with Indochina Trails
- Interview with Buffalo Tours
- Interview with Asia DMC
- ITA National Tourism and Travel office. 2017. , http://tinet.ita.doc.gov/outreachpages/inbound.general_information.inbound_overview.asp
- “State of American Vacation 2018”, Project: Time Off, https://projecttimeoff.com/reports/state-of-american-vacation-2018/
- United States of America”. CIA World Factbook. 2018. https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/us.html
- “UNWTO reveals strong 2017 outbound tourism demand”. TR Business. 2017.https://www.trbusiness.com/regional-news/international/unwto-reveals-strong-outbound-tourism-demand-in-2017/141312
- “U.S. Resident Travel to International Destinations Increased Nine Percent in 2015”. International Trade Organization. https://travel.trade.gov/outreachpages/download_data_table/2015_Outbound_Analysis.pdf