Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
[Cập nhật báo cáo] Xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2020
Nội dung bài viết :
Theo báo cáo ngành bán lẻ Việt Nam năm 2020 thì thị trường bán lẻ Việt Nam 2020 đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ và dần thay đổi xu hướng phát triển một cách rõ rệt. Có thể nói thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong những năm vừa qua. Tính cạnh tranh trong thị trường cũng vì vậy mà ngày một khốc liệt hơn. Với một số thương hiệu đó là sự tăng trưởng trong số lượng cửa hàng, số khác lại phải đối mặt với việc tái cấu trúc. Mới đây, Q&ME vừa thực hiện một khảo sát nghiên cứu về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2020. Nghiên cứu báo cáo ngành bán lẻ 2020 được thực hiện từ tháng 3/2020.
Tiêu điểm thị trường bán lẻ Việt Nam từ năm 2019 – 2020
Trong năm vừa rồi chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ông lớn Thế Giới Di Động khi doanh nghiệp này đồng loạt mở rộng quy mô, số lượng cửa hàng cho các thương hiệu con của mình là Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh.
Trong đó, Bách hóa Xanh là thương hiệu mở rộng mạnh nhất khi số lượng cửa hàng đã tăng từ 512 (2019) lên 1214 trong năm 2020. Điều này đã chứng tỏ vị thế của Thế Giới di động tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Trong năm 2019 vừa rồi, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng ghi nhận thêm sự xuất hiện của một số tên tuổi mới như Uniqlo hay GG25. Đây đều là những thương hiệu đình đám đến từ nước ngoài với rất nhiều cửa hàng. Sự xuất hiện của những thương hiệu lớn này hứa hẹn sẽ “gây bão” cho thị trường bán lẻ Việt Nam 2020.
Tuy vậy, trong năm vừa rồi cũng đã đánh dấu việc một vài thương hiệu lớn của Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều vấn đề và rủi ro, dẫn đến việc thương hiệu đó phải tái cấu trúc hoặc rút lui khỏi thị trường. Điển hình cho việc này chính là Vingroup và Món Huế. Cụ thể, Vingroup đã chuyển giao VinEco và VinCommerce cho tập đoàn đoàn Masan quản lý. Và ngay sau đó, Masan đã cho đóng cửa 100 – 300 cửa hàng Vinmart+, đồng thời mở thêm 10 – 30 siêu thị Vinmart mới. Ngoài ra, họ cũng tuyên bố đóng cửa hệ thống siêu thị điện máy VinPro.
Bên cạnh đó, chuỗi nhà hàng Món Huế đình đám một thời nay đã biến mất khỏi thị trường, kéo theo là sự ra đi của các thương hiệu như Phở Ông Hùng, 99 houses of Phở.
Xu hướng cửa hàng thương mại thời hiện đại năm 2020
Trong phần này, báo cáo ngành bán lẻ 2020 sẽ đi sâu vào thống kê chi tiết số lượng cửa hàng của các thương hiệu lớn trong từng lĩnh vực, qua đó sẽ thấy được xu hướng cửa hàng trong thời đại ngày nay của thị trường bán lẻ Việt Nam 2020.
Siêu thị
So sánh với năm 2019, số lượng siêu thị tại Việt Nam trong năm 2020 đã giảm 20% – từ 336 xuống 330. Mức giảm này chủ yếu đến từ việc Vinmart đã đóng cửa một số siêu thị của họ. Xét trên thống kê cả nước, CoopMart là thương hiệu sở hữu nhiều cửa hàng siêu thị nhất với 128 cửa hàng, xếp sau là Vinmart với 64 cửa hàng.
Cửa hàng tiện lợi/Siêu thị mini
Trái ngược với siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi đã đánh dấu mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, tăng tới 60% – từ 2495 trong năm 2019 lên 5228 cửa hàng trong năm 2020. Mức tăng này đến từ chiến lược mở rộng của Vingroup khi họ liên tục mở ra các cửa hàng Vinmart+ tại các khu vực nông thôn hoặc tiểu khu. Nếu đi sâu hơn vào phân tích thị trường bán lẻ Việt Nam 2020, sẽ thấy Vinmart+ vẫn là cái tên đi đầu trong lĩnh vực này khi số lượng cửa hàng của họ là rất nhiều.
Một cái tên đáng chú ý khác là Bách Hóa Xanh khi thương hiệu này cũng đang liên tục mở rộng quy quy mô hoạt động. Ngoài ra, có thể thấy TP. Hồ Chí Minh vẫn là thành phố hấp dẫn hơn cả khi có rất nhiều thương hiệu xuất hiện tại đây. Ngược lại với Hà Nội chỉ có duy nhất Vinmart+ và Circle K.
Trung tâm thương mại
Số lượng trung tâm thương mại vốn không nhiều tuy nhiên, trong năm 2020 này cũng ghi nhận sự tăng trưởng 11% từ 96 (2019) lên 107 (2020). Một lần nữa, Vingroup vẫn chứng tỏ được sức mạnh của mình trong thị trường bán lẻ khi số lượng trung tâm thương mại Vincom áp đảo hoàn toàn các tên tuổi khác. Trong tổng số 107 trung tâm thương mại được thống kê, Vincom có tới 77 tương đương hơn 70% – một con số khủng khiếp. Theo sauVincom là LotteMart với 15 trung tâm thương mại.
Cửa hàng nhỏ (Mini Store)
Các cửa hàng nhỏ đều có mức tăng nhẹ thị trường bán lẻ Việt Nam 2020, với con số 163 cửa hàng vào năm 2019 lên 170 vào năm 2020. “Thống trị” bảng xếp hạng này không ai khác ngoài cái tên quen thuộc Miniso với 47 cửa hàng trên toàn quốc, theo sau là Mumuso (37) và Ilahui (34).
Drug Store
Drug Store là cửa hàng bán nhiều mặt hàng như thuốc, sản phẩm chăm sóc, mỹ phẩm… gần đây rất thịnh hành tại Việt Nam. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của Pharmacity và nhà thuốc Long Châu, số lượng Drug Store đã tăng 38% vào năm 2020. Bảng thông kê cho ta thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa số lượng Drug Store tại Hà Nội và Hồ Chí Minh (gấp hơn 10 lần). Trong đó, Pharmacity là thương hiệu có mặt nhiều nhất trên khắp đất nước, với 293 cửa hàng.
Chuỗi siêu thị điện máy
Trong năm 2020, số lượng siêu thị điện máy đã tăng 11% nhờ chiến lược mở rộng quy mô của Thế giới di động và Điện Máy Xanh. Nhờ vậy mà thị trường bán lẻ Việt Nam 2020 đã có tổng cộng 3141 chuỗi siêu thị điện máy trên cả nước Việt Nam. Cũng chính vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi hai cái tên Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh áp đảo hoàn toàn trong lĩnh vực này. Chỉ tính riêng số lượng cửa hàng của hai thương hiệu này đã chiếm hơn 90% tổng số lượng chuỗi siêu thị điện máy cả nước. Một phần nữa là do sự sát nhập của thương hiệu Trần Anh với Thế giới di động, cũng như sự đóng cửa của hệ thống VinPro.
Chuỗi cửa hàng thời trang
Chuỗi cửa hàng thời trang lại chứng kiến sự giảm nhẹ so với năm 2019. Những cái tên mở rộng quy mô mạnh mẽ nhất vẫn thuộc về các thương hiệu nội địa như Việt Tiến, Blue Exchange, Biti’s, An Phước, Canifa …
Chuỗi cửa hàng cà phê
Đây được xem là một trong những lĩnh vực sôi động nhất của thị rường bán lẻ Việt Nam 2020 khi có hàng loạt tên tuổi lớn cạnh tranh với nhau, họ liên tục mở rộng quy mô hoạt động của mình với các chiến lược nhượng quyền hoặc mở thêm cửa hàng. Trong năm 2020 này, số lượng chuỗi cửa hàng cà phê ghi nhận mức tăng 17%, từ 758 (2019) lên 993 cửa hàng, con số này chủ yếu đến từ khu vực TP. Hồ Chí Minh cũng như các tiểu khu khác. Trong lĩnh vực này, Highland đang là cái tên dẫn đầu với 311 cửa hàng trên khắp cả nước, tiếp theo là The Coffee House với 152 cửa hàng và Trung Nguyên với 93 cửa hàng.
Chuỗi cửa hàng trà sữa
Trong những năm gần đây, trà sữa đã trở thành thức đồ uống gây bão trong xã hội khi thu hút được đông đảo lượng khách hàng, đi kèm là sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu trà sữa từ nước ngoài cho đến nội địa. Chính vì vậy, trà sữa đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh khủng khiếp tại thị trường Việt Nam. Trong năm 2020, dù ghi nhận số lượng cửa hàng trà sữa tăng tuy nhiên nó đến từ các tiểu khu là chủ yếu, trong khi tại các thành phố lớn thì số lượng cửa hàng có dấu hiệu giảm sút. Bobapop là thương hiệu trà sữa đi đầu hiện nay với 144 cửa hàng trên khắp cả nước, tập trung lớn tại TP. Hồ Chí Minh và những khu vực khác. Với các thương hiệu khác, số lượng cửa hàng có phần cân bằng hơn, những thương hiệu lớn sẽ luôn duy trì ở mức trung bình là 30 cửa hàng, những thương hiệu nhỏ hơn sẽ khoảng 15 cửa hàng và ít hơn.
Chuỗi nhà hàng, ăn uống
Trong thị trường bán lẻ Việt Nam, nhà hàng và cửa hàng ăn uống có lẽ là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất khi có rất nhiều thương hiệu lớn bé liên tục xuất hiện và mở rộng. Thế nhưng, thị trường bán lẻ Việt Nam 2020 lại ghi nhận số lượng nhà hàng giảm 16%, một phần là vì sự đóng cửa và ra đi của chuỗi thương hiệu Món Huế và Phở Ông Hùng. Nếu nhìn vào cột thống kê, từ năm 2019 đến 2020 thì số lượng nhà hàng đã giảm từ 1007 xuống 849. Tuy nhiên, con số này chưa hoàn toàn chính xác 100%vì thống kê này chưa tính một số thương hiệu được bổ sung mới vào năm 2019 và 2020. Để nhìn chính xác hơn, ta phải nhìn vào phần thống kê chi tiết số lượng cửa hàng của từng thương hiệu. Có thể thấy, dẫn đầu hiện nay là thương hiệu gà rán đến từ Hàn Quốc Lotteria với 151 cửa hàng trên khắp Việt Nam, theo saulà Jollibee (115) và Gogi House (113).
Phòng Gym
Số lượng phòng tập vào năm 2020 giữ nguyên so với 2019. Nếu như trước kia, nhắc đến các thương hiệu phòng Gym người ta sẽ chỉ nhớ đến California, Curves hay Elite Fitness thì ngày nay, số lượng thương hiệu đã tăng lên đáng kể với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới như City Gym, Body Fit, Fit24 hay MMA-Gym. Dù vậy, những tên tuổi lâu đời trên thị trường vẫn chứng tỏ được sức mạnh của mình khi cả 3 cái tên: California, Curves và Elite đều thay nhau chiếm 3 vị trí dẫn đầu về số lượng phòng tập tại Việt Nam.
Rạp chiếu phim
Thị trường bán lẻ Việt Nam 2020 ghi nhận mức tăng 14% của số lượng rạp chiếu phim, từ 148 lên 182. Con số này đến từ việc các thương hiệu rạp chiếu phim quyết định mở rộng quy mô hoạt động ra những tiểu khu, thay vì chỉ tập trung vào các thành phố lớn. Điển hình là hai thương hiệu CGV và Lotte khi số lượng rạp chiếu tại những khu vực khác ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là 72 cụm rạp, chiếm không ít tỷ lệ trên tổng số lượng rạp toàn Việt Nam.
Lời kết
Qua những báo cáo ngành bán lẻ 2020 theo từng lĩnh vực trên đây chắc hẳn các bạn cũng đã có cái nhìn tổng quan về thị trường bán lẻ Việt Nam 2020. Xu hướng cửa hàng thương mại đang là xu hướng của thời hiện đại. Nếu bạn có ý định kinh doanh ngành bán lẻ hãy áp dụng xu hướng này nhé.