Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Báo cáo thị trường hồ tiêu thế giới tháng 2/2023
Nội dung bài viết :
Thương mại hồ tiêu toàn cầu đang cho thấy sự khởi sắc trở lại. Dưới đây, Goodgood.vn sẽ cập nhật tình hình thị trường hồ tiêu thế giới trong tháng 2/2023. Báo cáo cập nhật bức tranh toàn cảnh về tình hình sản xuất, biến động giá cả và tình hình tiêu thụ trong thị trường hồ tiêu thế giới.
1. Sản xuất
Trong báo cáo thị trường gia vị tháng 2 được công bố ngày 9/3 của Olamspices, công ty này cho biết vụ hồ tiêu của Việt Nam đang tiến hành thu hoạch trên diện rộng và sản lượng năm nay được cho là tốt hơn năm ngoái.
Thu hoạch của Campuchia cũng đang tăng lên, trong khi người trồng tiêu Brazil dự kiến sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng 3.
Gia tiêu tại Việt Nam tăng từ mức thấp trước mùa vụ, mặc dù nhu cầu từ người mua ở Châu Âu và Mỹ thấp hơn. Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, hoạt động mua vào của Trung Quốc tăng và giải quyết phần nào tồn kho ở cấp nông dân và người thu mua. Điều này đã khiến giá cả tăng lên, giá hạt tiêu ở Brazil cũng tăng.
Tuy nhiên, Olamspices nhận định có thể có một số áp lực về giá khi hồ tiêu được thu hoạch nhiều hơn ở Việt Nam.
2. Xuất khẩu, nhập khẩu
a. Xuất khẩu
Thương mại hồ tiêu toàn cầu đang cho thấy sự khởi sắc chờ lại. Số liệu tổng hợp cho thấy xuất khẩu tiêu của Việt Nam tăng gần 35% trong 2 tháng đầu năm nhờ nhu cầu của thị trường Trung Quốc phục hồi trở lại. Tương tự, xuất khẩu tiêu của Indonesia và Ấn Độ cũng tăng lần lượt là 16,3% và 0,8% trong tháng đầu năm nay. Chỉ có Brazil tiếp tục giảm 5,5%.
-
Brazil
Số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Staf) cho thấy xuất khẩu tiêu của nước này trong tháng 2 đạt 6.258 tấn, trị giá hơn 17 triệu USD, tăng 15,8% về lượng nhưng giảm 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình chung 2 tháng đầu năm xuất khẩu tiêu của Brazil đạt 12.611 tấn, trị giá hơn 34 triệu USD, giảm 5,5% về lượng và giảm tới 36,3% về trị giá so với cùng kỳ.
Giá tiêu xuất khẩu của Brazil trong tháng 2 đạt bình quân 2.720 USD/tấn, tăng 1,3% so với tháng trước và chấm dứt chuỗi 7 tháng sụt giảm liên tiếp. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái mức giá này vẫn thấp hơn 31,5% (1.253 USD/tấn).
Xuất khẩu tiêu của Brazil năm 2021 – 2023 (Đơn vị: tấn, N
Việt Nam vẫn là khách hàng nhập khẩu tiêu lớn nhất của Brazil trong 2 tháng đầu năm nay, đạt 2.932 tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu nhập khẩu bình quân của Việt Nam từ Brazil vào khoảng 2.640 USD/tấn (FOB), giảm 32,2% so với 2 tháng đầu năm ngoái.
Là nước sản xuất và xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới song hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn tiêu từ các nước để phục vụ ngành chế biến trong nước cũng như đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng.
- Campuchia
Ngày 3/3, Bộ Nông nghiệp Campuchia thông qua Cục Bảo vệ Thực vật, Vệ sinh và Kiểm dịch thực vật, đã tổ chức một cuộc hội thảo để chia sẻ các quy trình và yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc, theo Phnompenhpost.
Hiệp hội và người trồng tiêu Campuchia hoan nghênh động thái mở cửa xuất khẩu tiêu của Trung Quốc và cho biết họ cũng có kế hoạch tăng cường chất lượng và số lượng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế khác.
Chủ tịch Liên đoàn Hồ tiêu và Gia vị Campuchia (CPSF), ông Mak Ny, cho biết đây là tín hiệu tốt khi hồ tiêu Campuchia có thể được xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.
“Một trong những thách thức lớn mà nông dân trồng tiêu phải đối mặt là chi phí sản xuất cao và giá bán đã giảm trong vài năm qua. Tôi khuyến khích những ai muốn xuất khẩu sang Trung Quốc hãy đăng ký càng sớm càng tốt và tận dụng lợi thế của thị trường mới”, ông Mak Ny nói.
Vào tháng 11 năm ngoái, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã bật đèn xanh cho xuất khẩu tiêu của Campuchia vào nước này. Theo Bộ Nông Lâm Thủy sản Campuchia, tính đến tháng 11/2022, Campuchia đã xuất khẩu hơn 8.000 tấn tiêu sang châu Âu và Mỹ, cũng như các thị trường trong khu vực như Việt Nam, Đài Loan và Ấn Độ.
-
Indonesia
Ông Donni Muksydayan, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Nông nghiệp bang Lampung – Indonesia, cho biết đầu năm nay đã có 100 tấn tiêu đen từ Lampung đã được vận chuyển đến Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Hệ thống kiểm dịch tự động của Indonesia, trong năm 2022, tỉnh Lampung đã xuất khẩu 13.898 tấn hồ tiêu với 611 lô hàng có giá trị kinh tế là 7,7 tỷ Rupiah. Trong đó 9.315 gói tiêu xay, tương ứng 48 lô hàng với trị giá 643 triệu Rupiah đã được xuất khẩu.
“Chúng tôi luôn ủng hộ các nỗ lực xuất khẩu, trong đó hồ tiêu là một trong những lợi thế của tỉnh Lampung. Với việc tăng xuất khẩu, chúng tôi hy vọng điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến phúc lợi của nông dân ở Lampung”, ông Donni cho hay.
Còn theo báo cáo thống kê diện tích trồng tiêu quốc gia giai đoạn 2020-2022 do Tổng cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia ban hành, sản lượng tiêu của tỉnh Lampung năm ngoái đạt 15.983 tấn với diện tích trồng là 46.365 ha, theo trang Radar Lampung.
b. Nhập khẩu
-
Mỹ
Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), trong tháng 1 nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ đạt tổng cộng 6.947 tấn hồ tiêu với trị giá 34,6 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 4,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam tiếp tục là nguồn cung tiêu lớn nhất cho thị trường này trong tháng đầu năm với khối lượng 5.670 tấn, trị giá 27 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 25,9% về lượng và tăng 21,9% về trị giá. Đáng chú ý, Việt Nam chiếm tới 81,6% thị phần tiêu nhập khẩu của Mỹ tăng đáng kể so với mức thị phần 66,3% của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá tiêu Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong tháng 1 giảm nhẹ 3,2% xuống mức bình quân 4.767 USD/tấn. Trong khi đó, nhập khẩu tiêu của Mỹ từ các nhà cung cấp khác như Ấn Độ, Indonesia và Brazil giảm lần lượt là 44,1%, 54%, 64%, tương ứng đạt 518 tấn, 218 tấn và 196 tấn.
Nền kinh tế Mỹ đang cho thấy những tín hiệu tích cực khi dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt vào tháng 2/2023 sau khi tăng mạnh vào đầu năm. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ, thấp hơn so với các mức tăng tương ứng 0,5% và 6,4% của tháng 1.
-
Ấn Độ
Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, nhập khẩu tiêu của nước này trong tháng 1
đạt 2.273 tấn, giảm 40,2% so với 3.799 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, UAE bất ngờ vươn lên trở thành nguồn cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Ấn Độ tháng đầu năm, đạt 839 tấn, tăng gấp đôi cùng kỳ.
Ngược lại, lượng tiêu nhập khẩu từ các thị trường tiếp theo gồm Sri Lanka, Brazil, Indonesia và Việt Nam đều giảm mạnh. Trước đó, năm 2022 Ấn Độ đã nhập khẩu 43.224 tấn hồ tiêu, tăng 14,2% so với năm 2021. Những thị trường cung cấp hàng đầu gồm Việt Nam (13.594 tấn), Sri Lanka (11.498 tấn), Brazil (7.653 tấn).
-
EU
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Eurostat cho biết, trong 11 tháng năm 2022, EU nhập khẩu 89,92 nghìn tấn hồ tiêu, trị giá 471,6 triệu EUR (tương đương 498,2 triệu USD), giảm 5,0% về lượng, nhưng tăng 27,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nền kinh tế EU suy thoái, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của EU giảm. Trong đó, EU giảm nhập khẩu tiêu từ các thị trường Brazil, Indonesia, Ấn Độ, nhưng tăng từ Việt Nam và Campuchia.
Cụ thể, EU nhập khẩu xấp xỉ 33,34 nghìn tấn tiêu từ Việt Nam, trị giá 164,48 triệu EUR (tương đương 173,75 triệu USD), tăng 4,9% về lượng và tăng 51,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Ngược lại, lượng nhập khẩu tiêu của EU từ Brazil giảm 21,4%, đạt 14,38 nghìn tấn.
3. Diễn biến giá
Giá tiêu thế giới tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 2 và duy trì ổn định trong nửa đầu tháng 3, diễn biến cụ thể như sau:
Tại Brazil giá hạt tiêu đen ASTA 570 tăng 50 USD/tấn so với cuối tháng 1, lên mức 3.000 USD/tấn vào cuối tháng 2 và duy trì mức giá này trong nửa đầu tháng 3.
Tại Đông Nam Á, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 và 550 g/l của Việt Nam lần lượt tăng 75 USD/tấn và 25 USD/tấn. Cũng giống như Brazil, giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam đi ngang ở mức 3.325 – 3.375 USD/tấn trong suốt nửa đầu tháng 3.
Trong khi đó, giá tiêu nội địa và xuất khẩu của Indonesia ghi nhận chiều hướng giảm do đồng Rupiah Indonesia giảm so với USD (15.403 IDR/USD), một số nông dân trữ hàng để chờ tăng giá. Theo đó, giá tiêu đen Lampung tại Indonesia quay đầu giảm 1,3% trong tháng 2 và giảm thêm 3,2% trong nửa đầu tháng 3, xuống còn 3.497 USD/tấn.
Giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 4.900 USD/tấn. Còn tại Ấn Độ, giá tiêu nội địa nước này cũng có xu hướng ổn định trong tháng 2 do vụ mùa mới đang trong giai đoạn thu hoạch. Tiêu chưa phân loại được giao dịch ở mức 489 Rupee/kg trong khi tiêu được phân loại giao dịch ở mức 509 Rupee/kg.
Trên đây là tình hình hồ tiêu thế giới tháng 2/2023. Số liệu tổng hợp cho thấy, xuất khẩu tiêu của Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ đều tăng vào đầu năm nay. Trong khi đó, giá tiêu thế giới tăng nhẹ trong tháng 2 và duy trì ổn định vào nửa đầu tháng 3. Hy vọng trong thời gian tới thị trường vẫn sẽ có những chuyển biến tích cực và khắc phục được những vấn đề còn hạn chế.
Để biết thêm nhiều thông tin hữu ích về thị trường đa lĩnh vực, vui lòng liên hệ Goodgood.vn để được tư vấn và hỗ trợ!
—————————
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Website: https://goodgood.vn/
Hotline: 0973 405 082
Email: contact@actgroup.com.vn
Địa chỉ: Số 27, Ngõ 16 Hoàng Cầu, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội