Tình hình sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 như thế nào?

 Tình hình sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 như thế nào?

Là một nước lấy nông lâm ngư nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế, Việt Nam luôn có những ưu thế nhất định. Vậy giữa diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, tình hình sản xuất ngành này đang có những biến động như thế nào. Hãy cùng Goodgood điểm qua các con số của công tán sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp và thủy sản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 trong bài viết này nhé!

Đánh giá chung về tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Tháng Năm sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Sản xuất nông nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chăm sóc lúa đông xuân, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng tại các địa phương phía Bắc; chăm sóc, thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và xuống giống lúa hè thu tại các địa phương phía Nam.

Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục tập trung vào trồng rừng mới vụ xuân hè, đẩy mạnh khai thác gỗ ở nhiều địa phương có diện tích rừng đã đến tuổi khai thác với giá thu mua gỗ ổn định.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá do nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến thủy sản tăng với mức giá tăng so với cùng kỳ năm trước, thời tiết của ngư trường thuận lợi cho khai thác xa bờ.

Nông nghiệp

Vụ lúa đông xuân năm 2021 cả nước gieo cấy được 3.007,5 nghìn ha, bằng 99,4% năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.087,1 nghìn ha, bằng 99%; các địa phương phía Nam đạt 1.920,4 nghìn ha, bằng 99,7%. Diện tích lúa đông xuân năm nay giảm 16,8 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước, các địa phương phía Bắc giảm 10,8 nghìn ha, các địa phương phía Nam giảm 6 nghìn ha. Bên cạnh việc chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa, còn có nguyên nhân làm giảm diện tích lúa đông xuân là do chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển sang mô hình trang trại, gia trại trồng cây hàng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản hoặc tại một số địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nông dân có xu hướng bỏ ruộng để chuyển sang hoạt động các ngành kinh tế khác nhằm mang lại thu nhập cao hơn. Trong tổng diện tích đất lúa giảm có 4,2 nghìn ha do thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để làm khu công nghiệp, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch, xây dựng các khu đô thị mới; 8 nghìn ha chuyển sang trồng cây lâu năm; 3 nghìn ha chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Ngay từ đầu vụ đông xuân thời tiết ấm áp thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển, nguồn nước tưới tiêu được cung ứng hợp lý, nhiều giống lúa mới được đưa vào sản xuất, các biện pháp kỹ thuật làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh được người dân chủ động triển khai cùng với sự vào cuộc tích cực, sát sao của các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp nên mặc dù diện tích gieo trồng giảm nhưng dự báo kết quả sản xuất lúa đông xuân năm nay cao hơn vụ đông xuân năm trước. Tính đến trung tuần tháng Năm, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.865,9 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 97,2% diện tích xuống giống và bằng 100,3% cùng kỳ năm trước, ước tính năng suất đạt 70,6 tạ/ha, tăng 3,1 tạ/ha; sản lượng ước tính đạt 13,55 triệu tấn, tăng 550,1 nghìn tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản kết thúc vụ lúa đông xuân 2021 với diện tích thu hoạch đạt 1.506 nghìn ha, bằng 99% vụ đông xuân năm trước; năng suất lúa đạt 72 tạ/ha, tăng 3,7 tạ/ha; sản lượng đạt 10,94 triệu tấn, tăng 365,5 nghìn tấn. Một số tỉnh có năng suất tăng cao so với vụ đông xuân năm trước: Tiền Giang tăng 6,3 tạ/ha; An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng đều tăng trên 3 tạ/ha.

Nông nghiệp Việt Nam tháng 5

Cùng với thu hoạch lúa đông xuân, đến trung tuần tháng Năm, các địa phương phía Nam gieo trồng được 875 nghìn ha lúa hè thu, bằng 97,2% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 803,3 nghìn ha, bằng 99,7%. Tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm do vụ lúa đông xuân gieo trồng và thu hoạch theo khung thời vụ muộn hơn năm trước. Hiện lúa hè thu đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến chắc xanh, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, do đặc điểm lúa hè thu sinh trưởng trong điều kiện nắng nóng, nền nhiệt cao, có thể thiếu nước ở đầu vụ, nhưng lại thu hoạch vào thời điểm có mưa đầu mùa, nên các địa phương cần khuyến cáo nông dân chọn các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày để gieo trồng, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt lịch xuống giống để phòng chống sâu bệnh, lũ lụt và sản xuất vụ lúa tiếp theo.

Tính đến giữa tháng Năm, cả nước gieo trồng được 451,8 nghìn ha ngô, bằng 99,3% cùng kỳ năm trước; 73,1 nghìn ha khoai lang, bằng 95,4%; 16,3 nghìn ha đậu tương, bằng 87,2%; 121,1 nghìn ha lạc, bằng 96,3%; 649,9 nghìn ha rau đậu các loại, bằng 101,3%.

Về chăn nuôi, hiện nay dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã xảy ra tại 28 địa phương. Để công tác kiểm soát dịch bệnh được kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Ước tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 5/2021 giảm 2,8% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số bò tăng 2%. Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát tốt, chỉ còn phát sinh những ổ dịch nhỏ lẻ. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao gây khó khăn cho chăn nuôi đặc biệt là hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ. Ước tính đến cuối tháng Năm, tổng số lợn của cả nước tăng 11,8% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số gia cầm tăng 6,4%.

Tính đến ngày 24/5/2021, cả nước không còn dịch tai xanh ở lợn và dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng còn ở Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum, Phú Yên; dịch tả lợn châu Phi còn ở 30 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở 27 địa phương chưa qua 21 ngày.

Lâm nghiệp

Tháng 5/2021, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước đạt 26,5 nghìn ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,6 triệu cây, tăng 0,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.783,5 nghìn m3, tăng 6,8%; sản lượng củi khai thác đạt 2 triệu ste, bằng cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác cao tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung như: Nghệ An 160,4 nghìn m3, tăng 9,7% so với tháng 5/2020; Bình Định 140,2 nghìn m3, tăng 11,6%; Thừa Thiên – Huế 56,4 nghìn m3, tăng 40,2%.

Lâm nghiệp Việt Nam tháng 5

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, trên cả nước diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 88,5 nghìn ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 41,6 triệu cây, tăng 2,5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5.943,4 nghìn m3, tăng 5,4%; sản lượng củi khai thác đạt 8 triệu ste, giảm 0,1%.

Công tác phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường. Trong tháng Năm, cả nước có 107,9 ha rừng bị thiệt hại, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 31,6 ha, giảm 37,3%, các địa phương có diện tích rừng bị cháy cao là Đắk Lắk 12 ha, Quảng Ngãi 5 ha, Quảng Bình 4,8 ha, Thừa Thiên – Huế 4,3 ha; diện tích rừng bị chặt phá là 76,3 ha, giảm 25%, trong đó các tỉnh có diện tích rừng bị chặt phá cao là Nghệ An 37,5 ha, Phú Yên 12,8 ha, Khánh Hòa gần 4 ha, Lào Cai 2,8 ha. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, diện tích rừng bị thiệt hại là 592,7 ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 165,7 ha, giảm 29,5%; diện tích rừng bị chặt phá là 427 ha, tăng 30,7%.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng Năm ước tính đạt 782,8 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 570,6 nghìn tấn, tăng 3%; tôm đạt 106 nghìn tấn, tăng 11,2%; thủy sản khác đạt 106,2 nghìn tấn, tăng 4,2%.

Thủy sản Việt Nam tháng 5

Ước tính tháng 5 năm 2021, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 417 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 279,1 nghìn tấn, tăng 4,6%; tôm đạt 93 nghìn tấn, tăng 12,9%; thủy sản khác đạt 44,9 nghìn tấn, tăng 8,5%.  Sản lượng cá tra trong tháng ước tính đạt 122,8 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long tiến hành thu mua thêm cá từ bên ngoài hệ thống sản xuất của chính doanh nghiệp để đáp ứng đủ cho các hợp đồng xuất khẩu mới. Tình hình xuất khẩu tôm thẻ chân trắng có nhiều khởi sắc, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh đang phát triển tích cực, cùng với dịch bệnh của tôm được kiểm soát tốt hơn đã mang tới hiệu quả kinh tế cao, sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng Năm ước tính đạt 60,7 nghìn tấn, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm sú tăng, tôm nuôi đang vào thời kỳ thu hoạch nên người dân tập trung thu và chuẩn bị thả nuôi đợt tiếp theo, sản lượng tôm sú đạt 27,4 nghìn tấn, tăng 3,4%.

Tháng 5 là tháng bắt đầu vụ cá Nam, vụ cá chính trong năm cùng với tình hình thời tiết thuận lợi cho ngư dân bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 5/2021 ước đạt 365,8 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 291,5 nghìn tấn, tăng 1,5%; tôm đạt 13 nghìn tấn, tăng 0,8%; thủy sản khác đạt 61,3 nghìn tấn, tăng 1,3%. Sản lượng khai thác biển trong tháng ước đạt 349,8 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước đạt 3.267,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.686,9 nghìn tấn, tăng 3,7%; sản lượng khai thác đạt 1.580,8 nghìn tấn, tăng 1,4% (sản lượng khai thác biển đạt 1.510,2 nghìn tấn, tăng 1,5%).

Như vậy, về cơ bản, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đều có những điểm sáng nhất định. Hy vọng rằng, Việt Nam sẽ có những chỉ số các hoạt động sản xuất ngày càng tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn cả thế giới đang lao đao vì dịch bệnh Covid.

Tham khảo thêm: [Infographic] Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021

Bài viết tương tự: Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021

Good Good Report

https://goodgood.vn

Xem thêm