Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Ngành hàng gia dụng: Giải pháp nào để doanh nghiệp nội không bị thua trên sân nhà?
Với quy mô thị trường rộng lớn, ngành hàng gia dụng của Việt Nam được đánh giá là “mảnh đất màu mỡ”, có tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, nếu các doanh nghiệp trong nước không có chiến lược thị trường phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh thì nguy cơ thua trên “sân nhà” là rất lớn.
Thị trường nhiều triển vọng
Chị Nguyễn Thị Loan ở đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) cho biết, gia đình vừa mua một rô bốt hút bụi tự động có xuất xứ từ Nhật Bản. Thay vì phải mất thời gian dùng chiếc máy hút bụi cồng kềnh, chị Loan chỉ cần nhấn nút khởi động để rô bốt tự động lau nhà, khi nhà sạch thì ngừng.
Theo chị Loan, chiếc rô bốt hút bụi thông minh chị sử dụng đang là sản phẩm khá hot trên thị trường đồ gia dụng thông minh. Sản phẩm này có giá khá cao, từ 6-11 triệu đồng/chiếc. Một số sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc có giá từ 2-4 triệu đồng/chiếc.
Ngày càng có nhiều sản phẩm điện tử gia dụng được tung ra thị trường – (Ảnh: ĐL)
Theo khảo sát, sản phẩm điện tử gia dụng, đồ dùng nhà bếp thông minh hiện đang được bày bán tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị của TP.HCM với nhiều chủng loại, nguồn gốc xuất xứ trong có cả trong và ngoài nước, giá cả theo đó cũng đa dạng.
Cụ thể như, máy làm bún, mì tươi 5 đầu có giá từ 150.000 – 250.000 đồng/chiếc; máy làm giá đỗ đa năng giá từ 180.000 – 240.000 đồng/chiếc; kệ để đồ đa năng được bán với giá 170.000 – 500.000 đồng/chiếc; đèn cảm biến tự động giá 150.000 – 200.000 đồng/chiếc; hay các thiết bị thông minh cao cấp như: máy hút khói thông minh có giá từ 1,4 – 2,9 triệu đồng; Robot hút bụi lau nhà của Nhật Bản có giá từ 4,9 – 12 triệu đồng…
Theo anh Cao Văn Hùng, chủ cửa hàng điện máy Đỗ Thắng trên đường Tân Kỳ Tân Qúy (quận Bình Tân), cho biết sản phẩm điện tử gia dụng, đồ dùng nhà bếp thông minh đang trở thành xu hướng mới để bắt kịp với cuộc cách mạng 4.0. “Cứ 10 sản phẩm thiết bị điện tử bán ra tại đây thì có từ 2 – 3 là sản phẩm điện tử gia dụng, đồ dùng nhà bếp thông minh, đa năng công nghệ…”, anh Hùng nói.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành hàng gia dụng còn nhiều tiềm năng phát triển, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã hội của Việt Nam như dân số trẻ dẫn đến nhu cầu hàng gia dụng lớn.
Cụ thể, tiêu dùng cho đồ gia dụng độ tuổi từ 18 – 45 chiếm hơn một nửa chi tiêu toàn thị trường. Đồng thời, thu nhập người dân hiện đang tăng lên, dẫn đến thay đổi nhu cầu về chất lượng, mẫu mã nhiều hơn.
Doanh nghiệp phấn khởi…
Với lối sống hiện đại, văn minh, nhiều người Việt ngày càng thích cuộc sống tiện nghi, sang trọng. Do đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đánh giá sản phẩm điện tử gia dụng, đồ dùng nhà bếp thông minh là ngành hàng có nhiều tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, đối với thị trường hàng gia dụng tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu và nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn khi khai thác triệt để lợi thế của dòng chảy thương mại tự do, thuế suất nhập khẩu được miễn giảm theo lộ trình.
Nếu xây dựng được chiến lược khai thác thị trường phù hợp thì dù có sự “đổ bộ” của thương hiệu cao cấp trên thế giới, hàng Việt vẫn có thể giữ được chỗ đứng – (Ảnh: ĐL)
Trước sức ép cạnh tranh từ phía doanh nghiệp nước ngoài trong ngành hàng gia dụng, các doanh nghiệp nội địa đã và đang đẩy mạnh đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse cho biết, muốn giữ vững thị phần hàng gia dụng, doanh nghiệp nội phải nắm rõ thị hiếu người tiêu dùng, bên cạnh đó thường xuyên thay đổi mẫu mã sản phẩm cho phù hợp.
“Chẳng hạn với sản phẩm chảo, người Việt Nam lại thích sử dụng chảo nhiều công dụng trong quá trình chế biến thức ăn hơn là chỉ có một chức năng. Vì vậy, nhà sản xuất hay các doanh nghiệp trong nước cần phải nắm được xu hướng như vậy để thiết kế phù hợp cho người tiêu dùng”, ông Phú nói.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho hay dù thị trường sản phẩm gia dụng hiện nay có sự cạnh tranh quyết liệt nhưng so với hàng ngoại, hàng Việt vẫn có nhiều lợi thế riêng nhờ hiểu được thói quen của người tiêu dùng trong nước và văn hóa bếp núc ở Việt Nam.
Đặc biệt, hàng Việt có giá cả cạnh tranh, mẫu mã và công năng được cải tiến, nên các sản phẩm gia dụng của doanh nghiệp trong nước đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng hơn.
“Mặt hàng gia dụng dành cho nhà bếp là một trong những mặt hàng luôn dành được sự ưu ái và chăm chút nhất định từ Saigon Co.op. Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, các sản phẩm thuộc ngành hàng này luôn được dành không gian khá lớn để trưng bày, từ thương hiệu cao cấp đến bình dân, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm và chọn lựa”, ông Huy cho hay.
Nói về hàng gia dụng tại Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga nêu rõ, muốn hàng Việt tìm được chỗ đứng trước sự đổ bộ của các thương hiệu cao cấp trên thế giới, các doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược khai thác thị trường phù hợp. Ở thị trường nông thôn còn thiếu nhiều mặt hàng phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, việc chú trọng vào thị trường bình dân, khu vực nông thôn là một hướng đi tốt để khẳng định chỗ đứng của doanh nghiệp Việt.