Cũng như phần lớn các ngành nghề khác, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Vết thương do Covid-19 gây ra với ngành du lịch hằn sâu và chưa ngưng “rỉ máu”, đặc biệt khi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đang phải tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm đối phó những làn sóng lây nhiễm mới.
Song, khi ngày càng có nhiều vắc xin được phê duyệt sử dụng và các chính phủ tăng tốc chủng ngừa đại trà cho dân, một số nước rục rịch tái mở cửa, thổi bùng hy vọng về sự hồi sinh của du lịch. Giới phân tích dự đoán, đại dịch có thể đã tạo ra những thay đổi dài lâu đối với ngành du lịch và trong ngắn hạn, các du khách sẽ phải thích nghi với những xu hướng “bình thường mới”.
Cơ hội mới từ hộ chiếu vắc xin
Bất kỳ ai có nguyện vọng đi du lịch quốc tế sẽ phải dành thời gian nghiên cứu các quy định, cả khi nhập cảnh vào quốc gia khác và về nước. Tuy nhiên, sự ra đời của “hộ chiếu vắc xin Covid-19” hay “thẻ thông hành xanh” hoặc “chứng nhận Covid-19” tùy theo cách gọi khác nhau của mỗi nước, được kỳ vọng sẽ vực dậy ngành du lịch đang gặp khó khăn.
Những cá nhân được cấp chứng nhận cũng có nghĩa là họ đã tiêm phòng phòng đầy đủ hoặc hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 trong vòng 6 tháng hay có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, dự kiến sẽ được miễn trừ nhiều hạn chế, giảm hoặc không cần cách ly khi nhập cảnh vào nước khác.
Cho đến nay, trên thế giới mới chỉ có một số ít nước, bao gồm Israel, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Chile, Singapore… đã cho thí điểm hoặc triển khai rộng rãi một dạng hộ chiếu vắc xin Covid-19 nào đó. Song, thời gian tới dự kiến sẽ có thêm nhiều nước triển khai giải pháp này.
Du lịch hướng về con người
Theo nhà nghiên cứu Fabio Carbone, du lịch hậu Covid-19 dự kiến sẽ tập trung vào con người nhiều hơn là các điểm đến. Những người mong muốn thoát khỏi sự phong tỏa, giãn cách xã hội có thể sẽ sử dụng các chuyến du lịch để hâm nóng mối quan hệ hiện có với những người thân yêu đang sống xa họ hoặc tìm kiếm những cuộc gặp gỡ mới.
Ông Carbone tin, vì điều này, du lịch hậu đại dịch sẽ xoay trục theo hướng ưu tiên phát triển con người, đối thoại và hòa bình. Các loại hình phổ biến có thể là du lịch thăm viếng bạn bè và người thân hoặc du lịch tình nguyện.
Du lịch tình nguyện về cơ bản là tham gia các hoạt động thiện nguyện ở một điểm đến nước ngoài nhằm hỗ trợ các quốc gia, cộng đồng kém may mắn hơn. Khi đại dịch đang tác động tiêu cực hơn đến nền kinh tế của các nước đang phát triển, hoạt động tình nguyện hiệu quả sẽ rất cần thiết.
Du lịch nội địa khởi sắc hơn
Trước khi mọi người có thể tự do xuất ngoại, các chuyên gia tin họ sẽ bắt đầu bằng những chuyến đi gần nhà hơn. Điều này một phần do tâm lý bất an về nguy cơ mắc virus và những giới hạn nhập cảnh của chính phủ nước ngoài. Do vậy, du lịch nội địa sẽ hồi sinh mạnh mẽ và phát triển hơn ngay sau khi các nước khống chế được Covid-19.
Căn cứ vào các hợp đồng bảo hiểm du lịch được mua từ ngày 1/4 – 10/5, chuyên trang Squaremouth phát hiện, các tour nội địa chiếm 48% kế hoạch du lịch hè của người Mỹ. Trang cung cấp dịch vụ lữ hành Travelocity cũng lưu ý, hầu hết khách du lịch đặt khách sạn chỉ trong vòng bán kính 160km tính từ nơi họ cư trú.
Tương tự, du lịch nội địa ở Trung Quốc khởi sắc mạnh mẽ, kéo theo nhiều ngành dịch vụ ăn nên làm ra kể từ ngày 8/4, khi nước này dỡ bỏ phong tỏa Vũ Hán. Đến nay, các địa phương ở Trung Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các quy định hạn chế về du lịch. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, không thể vi vu nước ngoài, lượng khách đổ dồn về các trung tâm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.
Các công ty du lịch cũng đẩy mạnh khai thác điểm đến trong cả nước với doanh số từ du lịch nội địa đã trở lại bình thường như trước Covid-19. Nhà chức trách thống kê, chỉ riêng kỳ nghỉ Tết Đoan Ngọ kéo dài 3 ngày vào giữa tháng 6, doanh số du lịch nội địa đạt hơn 4,6 tỷ USD với 89 triệu lượt khách, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới hạn lượng khách phục vụ
Khi tái mở cửa, nhìn chung, các công viên giải trí, bảo tàng và những địa danh nổi tiếng sẽ giới hạn lượng khách phục vụ cũng như kiểm soát họ nhiều hơn so với trước đại dịch. Việc đo thân nhiệt sẽ trở thành bắt buộc. Các du khách và nhân viên đều đeo khẩu trang, vui chơi, xếp hàng hoặc ngồi cách nhau một khoảng an toàn và tương tác từ xa.
Tại khu liên hợp mua sắm Disney Springs ở trung tâm Florida, đã tái hoạt động từ tháng 5, đội quân hư cấu Stormtrooper trong loạt phim ăn khách viễn tưởng Chiến tranh giữa các vì sao đứng giám sát từ trên một ban công và cảnh báo các du khách tuân thủ chỉ dẫn phòng chống virus.
SeaWorld Orlando cho biết họ sẽ sửa đổi một số tương tác với động vật, một trong những dịch vụ đặc trưng của công viên này. Trong khi, khu nghỉ dưỡng Universal Orlando thông báo sẽ chuyển sang hình thức thực tại ảo đối với một số điểm tham quan. Công viên Walt Disney ở Florida khi mở cửa trở lại vào ngày 11/7 dự kiến sẽ tạm thời hủy các buổi trình diễn pháo hoa và diễu hành.
Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp, nơi luôn quá tải vì các đám đông trước đại dịch, khi tái mở cửa vào ngày 6/7 đều đòi hỏi các du khách đặt trước vé qua mạng.
Hàng không cân bằng an toàn và lợi nhuận
Không giống nhiều công ty vận tải khác, các hãng hàng không vẫn tiếp tục hoạt động xuyên đại dịch dù phải cắt giảm đáng kể số chuyến bay. Những gì họ đã áp dụng trong vài tháng qua nhiều khả năng sẽ định hình tương lai của ngành hàng không, dù một số chắc chắn chỉ mang tính tạm thời.
Trong một buổi tọa đàm trực tuyến với báo Washington Post hồi tháng trước, Robin Hayes, Giám đốc điều hành công ty JetBlue giải thích, hầu hết các hãng hàng không có hệ số tải hòa vốn từ 75 – 80% nên việc chỉ duy trì tối đa 55 – 60% số ghế trên một chuyến bay như hiện nay sẽ không lâu. Song, ông tin, các hãng cần phải cho phép các hành khách đổi chuyến bay dễ dàng hơn trong tương lai.
Các hãng hàng không đã yêu cầu hành khách và nhân viên đeo khẩu trang, cắt giảm dịch vụ ăn uống trên chuyến bay và tăng tần suất dọn dẹp vệ sinh. Một số yêu cầu hành khách khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế gần đây đề xuất các hãng bay nên hạn chế hành khách sử dụng nhà vệ sinh và khuyến khích họ chỉ mang hành lý vừa với ghế ngồi.
Du lịch nước ngoài sẽ đắt đỏ hơn
Một số nhà phân tích nhận định, tác động của đại dịch đối với các hãng hàng không có thể làm giảm lượng khách bay ra nước ngoài và do đó sẽ khiến các phần khác của du lịch quốc tế trở nên đắt đỏ hơn.
Rick Steves, một chuyên gia du lịch nổi tiếng người Mỹ và cũng là chủ một hãng lữ hành từng đưa 30.000 du khách tới châu Âu mỗi năm, chia sẻ: “Nếu các hãng hàng không chỉ có thể đưa một nửa số người lên máy bay, chi phí sẽ tăng gấp đôi. Khi đó du lịch trở thành hoạt động dành cho người giàu”.
Vấn đề không chỉ giới hạn ở các hãng hàng không. Ông Steves lo ngại, trong bối cảnh vắng khách, các cơ sở làm du lịch như nhà hàng, khách sạn và địa điểm vui chơi giải trí cũng phải tăng giá để bù lỗ.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO), thất thu của ngành du lịch quốc tế trong năm 2020 lên tới 910 – 1.200 nghìn tỷ USD. Trong báo cáo hồi tháng 5, Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili viết, “việc nới lỏng các hạn chế đi lại kịp thời và có trách nhiệm sẽ giúp đảm bảo nhiều lợi ích kinh tế và xã hội mà du lịch tái mang lại một cách bền vững”.