Khiêm nhường có cần thiết cho công việc không?

 Khiêm nhường có cần thiết cho công việc không?

Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường, đó là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng.

A sound head, an honest heart, and an humble spirit are the three best guides through time and to eternity.

Walter Scott

Học hỏi từ những sai lầm là cách học nhanh và thấm nhất. Trong thời đại mà trạng thái VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp và mù mờ) đã trở thành hiện tượng phổ biến thì những bài học từ quá khứ không phải lúc nào cũng phù hợp. Phương pháp “thử và sai” đang ngày càng được áp dụng nhiều hơn. Đặc biệt những người học hỏi từ sai lầm thường có tính sáng tạo, hiệu suất cao và kiên định hơn trong công việc. Các phương pháp tiếp cận phổ biến như Agile hay Lean Startup đều đã biến khả năng thử nghiệm và học hỏi nhanh chóng từ những sai lầm thành năng lực cốt lõi cho dự án.

Tuy không nhớ những cái ngã lúc tập đi nhưng tôi nhớ những lần ngã xe đạp trày đầu gối rớm máu. Rồi cái cảm giác lâng lâng, phơi phới khi lần đầu tiên nhấn pedal làm chiếc xe chạy đều trên con đường gồ ghề của khu tập thể. Mượn lời của Albert Einstein (mới đọc trên status của một người bạn):

“Cuộc đời như đang lái một chiếc xe đạp.

Để giữ thăng bằng, bạn phải liên tục tiến về phía trước.”

Mỗi lần đánh lái, cái đánh lái đầu tiên không bao giờ chuẩn xác ngay nên cần trả lái. Trả lái vẫn chưa trúng và chúng ta lại phải đánh lái để điều chỉnh. Quá trình này lặp đi lặp lại một cách linh hoạt cho đến khi chúng ta đến đích. Điểm tích cực của việc đánh lái liên tục là tạo nên cân bằng động để chúng ta không bị ngã và tiến lên phía trước.

Tuy nhiên, quá trình đào tạo trước đây đã biến chúng ta thành những người rập khuôn – văn mẫu và sợ sai lầm vì bị điểm kém. Lâu dần làm cho chúng ta luôn phòng thủ và sợ hãi. Nỗi sợ hãi lớn đến mức làm chúng ta phải biện minh, đổ lỗi, chối bỏ nếu mình có sai lầm. Chính điều này đã cản trở khả năng học hỏi từ những sai lầm.

Trong một tài liệu mà tôi mới đọc được thì những người học hỏi hiệu quả từ sai lầm đa phần là người kiêm nhường. Chính sự khiêm nhường giúp họ nhìn nhận bản thân một cách chính xác, thể hiện sự đánh giá cao những ưu điểm và đóng góp của người khác. Chính vì tỏ ra khiêm nhường và đánh giá cao sự phản hồi nên họ nhận được nhiều giá trị từ sai sót và thông tin phản hồi giúp họ học hỏi.

Trong câu chuyện “Cái bị” của La Fontain có đoạn:

“Xưa nay âu cũng thế thôi,

Bị may hai túi, rạch ròi khác nhau.

Lỗi mình ta nhét túi sau

Lỗi người túi trước, lầm đâu được mà!”

Vì lỗi nhét túi sau nên chúng ta ít nhìn thấy lỗi của mình để tự thay đổi. Chỉ có sự khiêm nhường mới khuyến khích sự phản hồi qua đó giúp chúng ta học hỏi để hoàn thiện bản thân cũng như trong công việc.

Tuy nhiên, tính khiêm nhường dường như không được đánh giá cao vì nó thường được hiểu là “yếu đuối”. Nhiều người còn cho rằng khiêm nhường là tự đánh giá thấp bản thân. Tuy nhiên, khiêm nhường không phải là tính cách thụ động hay yếu đuối mà đó là thể hiện sự tôn trọng và nhìn nhận khách quan trong mọi tình huống. Người khiêm nhường là người mà hầu hết mọi người đều muốn làm việc cùng. Chính đức tính này giúp ai sở hữu nó sẽ trở thành người lãnh đạo đích thực kể cả khi họ không có vai trò lãnh đạo vì họ có tầm ảnh hưởng trong công việc.

Khi đã thành công hoặc có lợi thế, chúng ta rất dễ rơi vào sự tự mãn. Chúng ta sẵn sàng bỏ qua các phản hồi của người khác và coi đó là sự chỉ trích hướng vào mình. Chính sự khiêm nhường đã giúp chúng ta tránh nổi nóng để bình tĩnh đánh giá khách quan những ý kiến phản hồi xem nó có phù hợp hay không. Thực tế những nhà lãnh đạo giỏi nhất thường sẵn sàng thừa nhận khi họ sai và coi sai lầm là cơ hội học hỏi, vì vậy họ có thể biến chúng thành điều gì đó tích cực – điều gì đó có thể biến đổi. Vì vậy họ sẵn sàng ủy quyền và chấp nhận đổi mới. Họ sẵn sàng để nhân viên nói lên suy nghĩ của mình và đưa ra các đề xuất. Điều này giúp hiệu quả công việc và sự hài lòng của nhân viên tăng lên.

Theo nghiên cứu tại Trung tâm Workplace Excellence của Đại học Nam Úc, qua theo dõi 120 nhóm với 495 thành viên đã kết luận rằng “những nhà lãnh đạo thể hiện sự khiêm nhường – thông qua nhận thức về bản thân, khen ngợi những điểm mạnh và đóng góp của người khác, đồng thời cởi mở với phản hồi” có thể đạt được kết quả tích cực tại nơi làm việc và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực. “Ở những nhà lãnh đạo khiêm nhường, điều này được thể hiện thông qua giao tiếp cởi mở, lắng nghe tốt, khen ngợi một công việc được hoàn thành tốt, đánh giá cao kỹ năng của từng thành viên trong nhóm và nhận ra rằng họ, với tư cách là nhà lãnh đạo, không sai lầm”, Chad Chiu, Ph.D., trưởng nhóm nghiên cứu cho cuộc nghiên cứu cho biết thêm. Cũng theo nghiên cứu của Paul J.Zak, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Thần kinh và là giáo sư tâm lý học, khoa học kinh tế tại Đại học Claremont Graduate, khi các nhà lãnh đạo tin tưởng nhân viên của mình và trao cho họ nhiều quyền kiểm soát hơn thì nhóm của họ có xu hường ít bị căng thẳng hơn 75%, năng suất cao hơn 50% và ít kiệt sức hơn 40%.

Bạn có mong muốn tạo ra văn hóa học hỏi và chấp nhận sai lầm bằng cách khuyến khích sự khiêm nhường tại nơi làm việc không? Nếu có thì hãy áp dụng 5 cách dưới đây:

  1. Làm một người sếp khiêm nhường

Để tạo ra văn hóa khiêm nhường thì có nghĩa là chúng ta phải là người sếp khiêm nhường. Công khai thừa nhận khi chúng ta không biết điều gì đó. Sẵn sàng đề nghị nhân viên giúp đỡ và đánh giá cao những đóng góp của người khác. Lắng nghe các ý kiến phản hồi từ người khác và chấp nhận thừa nhận sai lầm. Dám giao việc, giao quyền để nhân viên được học hỏi và phát triển.

  1. Tạo thái độ tích cực đối với đức tính khiêm nhường

Hãy khuyến khích để cho mọi người xem sự khiêm nhường là một điều tốt đẹp và đáng trân quý chứ không phải là tính cách yếu đuối. Nếu mọi người thấy đó là điều tốt đẹp thì nhiều có khả năng họ sẽ làm theo. Các nhà hiền triết từ lâu đã coi khiêm tốn như một đức tính tổng hợp, nền tảng cho các đức tính khác như lòng dũng cảm, sự khôn ngoan và lòng tha thứ.

  1. Thiết lập văn hóa khiêm nhường

Chúng ta có thể thúc đẩy các hành động khiêm nhường bằng cách khen ngợi những hành vi gắn liền với sự khiêm nhường. Khen nhân viên khi họ tích cực tìm kiếm phản hồi. Tôn vinh mọi người khi họ thừa nhận điểm mạnh của người khác. Khích lệ động viên những người ham học hỏi và khám phá những điều mới. Tạo ra giải thưởng trao cho những nhân viên thể hiện sự khiêm nhường. Bằng cách này, chúng ta đã chỉ ra cho mọi người biết đâu là chuẩn mực văn hóa mà doanh nghiệp muốn theo đuổi.

Một công ty nổi tiếng với việc ghi nhận thành công của nhân viên là nhà bán lẻ giày và quần áo trực tuyến Zappos. Zappos có Giải thưởng Family HERO công nhận những người được đề cử chăm chỉ với áo choàng HERO đặc biệt, ghim HERO, thẻ quà tặng Zappos trị giá 150 đô la và một cuộc diễu hành được tổ chức để vinh danh họ.

  1. Tạo điều kiện để mọi người dễ dàng khiêm nhường

Mọi người sẽ tham gia vào hành vi khi họ cảm thấy dễ dàng khi làm như vậy. Nói cách khác, khi dễ dàng làm một điều gì đó, thì nhiều khả năng mọi người cũng sẽ thể hiện hành vi đó. Mặc dù thể hiện sự đánh giá cao đối với người khác và việc chấp nhận phản hồi có thể không quá khó, nhưng việc nhìn nhận chính xác bản thân mình có thể khó hơn; đặc biệt là khi mọi thứ diễn ra không tốt.

Vì vậy, hãy cố gắng giúp mọi người dễ dàng nhìn nhận bản thân một cách chính xác. Hãy cùng tham gia trò chơi “Người khác biết gì về tôi mà tôi có thể không nhận ra?” Bằng cách này, mọi người sẽ nhận được những câu trả lời trung thực hơn, giúp nhìn nhận bản thân chính xác hơn qua đó sẽ biết được “điểm mù” của mình là gì?

    5. Phát triển nhân viên

Tạo điều kiện cho nhân viên được học hỏi và thử nghiệm cách làm mới. Các nhân viên được khuyến khích học hỏi bằng cách tự học hoặc tham gia các khóa học chính thức, trao đổi thông tin chia sẻ về cách làm hay trong nội bộ hay tham vấn các cố vấn, huấn luyện viên (nội bộ/bên ngoài) để tự phát triển nghề nghiệp. Để làm được việc này, doanh nghiệp cần phát triển văn hóa học tập và tạo lập môi trường học tập mạnh mẽ.

Văn hóa “khiêm nhường” mang lại sự tương tác và học hỏi rất cao giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Bằng cách thúc đẩy văn hóa tổ chức kiêm nhường, các công ty có thể tránh được những tác động tiêu cực của các hành vi tự mãn, kiêu ngạo và bất hợp tác và thay vào đó là sự trao quyền, hợp tác và cùng tiến trong công việc. Đây chính là đức tính cần thiết của các nhà lãnh đạo phục vụ.

Theo Bùi Đỗ Mạnh

Good Good Report

https://goodgood.vn

Xem thêm