Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Thử thách “quản lý nhân sự gen Z” siêu hay ho dành cho các nhà quản lý
Nội dung bài viết :
Hình ảnh thế hệ gen Z hiển diện với nhiều sự đối lập: Thích được học hỏi nhưng không thích bị phê bình, làm việc có trách nhiệm nhưng lại có điểm yếu là ít chịu được áp lực, thích làm việc độc lập nhưng muốn có đội nhóm khi đi làm… hay… thích nghi nhanh nhưng lại ngại thay đổi? Ở cương vị là một người quản lý, phải làm thế nào để “chiều lòng” nhân sự gen Z mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc ở mức cao nhất?
Gen Z và “những điều kỳ lạ” trong công việc
Số liệu từ Tổng Cục thống kê Việt Nam cho thấy, số lượng thế hệ gen Z đang ở độ tuổi lao động rơi vào khoảng 13 triệu người (năm 2019) và chiếm khoảng 19% số lượng trong độ tuổi lao động. Và dự đoán đến năm 2025, nhóm độ tuổi này sẽ chiếm ⅓ dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, thế hệ gen Z được đánh giá sẽ góp phần ảnh hưởng to lớn đến thị trường lao động của địa phương. Khác biệt với thế hệ gen Y, khi ứng tuyển công việc, các bạn trẻ gen Z lại sở hữu một vài đặc điểm nghe có vẻ “kỳ lạ” nhưng lại vô cùng thuyết phục như sau:
Đặc biệt quan tâm đến “tính ổn định” của công việc
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng “Giới trẻ thích lông bông” hay “thử cho biết”, nhiều bạn trẻ genZ thực sự quan tâm đến mức độ ổn định của công việc. Họ đầu tư kỹ lưỡng vào kiến thức, kĩ năng, vạch sẵn lộ trình phát triển nhằm chinh phục mục tiêu và đạt được tính ổn định nhất định trong công việc.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid vừa đi qua, theo Tổng cục thống kê, trong năm 2020 có đến 31.9% người thất nghiệp thuộc độ tuổi gen Z. Nền kinh tế thoái trào đã khiến các bạn trẻ gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến gen Z đang dần hướng tới những nghề nghiệp có tính ổn định.
Việc sở hữu bằng cấp đã không còn quan trọng
Người trẻ quan tâm nhiều đến công nghệ thay vì bằng cấp
Việc chứng kiến các thế hệ đi trước cầm trên tay những loại bằng cấp nhưng vẫn không thể sở hữu công việc hay cuộc sống ưng ý đã hằn sâu trong tâm lý của các bạn trẻ gen Z. Dần dần, họ cũng có những thay đổi đối với việc giáo dục chính quy. Thay vì chỉ có con đường đi học thì nhiều bạn chọn đi làm từ sớm để có thu nhập, gia tăng trải nghiệm và vốn sống.
Thích phong cách làm việc giống như người-cô-đơn
Thế hệ Z muốn phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh cũng như các kỹ năng số cụ thể
Thế hệ gen Z được ví như những con người cô đơn. Lý do là bởi họ có những hạn chế trong kỹ năng giao tiếp và kết nối với mọi người xung quanh. Điều này cũng có thể là do ảnh hưởng của công nghệ. Các bạn gen Z thường hay thắc mắc: Tại sao phải đội nắng đội mưa đến công ty ngồi từ 8h sáng đến 5h chiều để làm việc, trong khi họ hoàn toàn có thể kết nối với bất cứ ai thông qua các ứng dụng công nghệ?
Liệu thực sự có yêu thích công nghệ?
Hoàn toàn không thể phủ nhận việc gen Z vô cùng “sành sỏi” và có phần “sa đà” khi tiếp cận các ứng dụng công nghệ. Nhưng gen Z cũng có cái nhìn đa chiều về vấn đề này. Nhiều bạn trẻ tự nhận thức về việc quá phụ thuộc vào Internet và việc này gây ra hạn chế trong giao tiếp, kết nối con người với con người. Bởi vậy, đôi khi họ tự đấu tranh nội tâm trong việc sử dụng công nghệ trong công việc (thậm chí cả trong việc giải trí).
Hứng thú với các công việc đem đến giá trị cộng đồng
Bảo vệ xã hội, bảo vệ môi trường hay hướng tới các giá trị nhân văn,… là một số điểm cộng lớn mà các bạn trẻ gen Z hi vọng có được tại nơi làm việc. Các công ty liên quan đến các vấn đề về phá hoại môi trường, phân biệt đối xử hoặc có các hành vi vô trách nhiệm với cộng đồng chắc chắn sẽ nằm trong “danh sách đen” của các bạn trẻ gen Z.
Quản lý nhân sự gen Z – đơn giản mà cũng không kém phần phức tạp
Quản lý nhân sự nói chung hay quản lý nhân sự thuộc thế hệ genZ nói riêng đều là bài toán hóc búa mà người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức nào cũng gặp phải. Nhiều nhà quản lý còn dí dỏm nhận xét rằng, gen Z chính là lứa nhân sự “đang trong độ tuổi dậy thì”. Bởi vậy, để vận hành được một đội ngũ là các bạn genZ rất cần sự phối hợp của nhiều kĩ năng.
Chứng minh bạn là nhà quản lý có tâm và có tầm
“Chọn sếp, đừng chọn việc” hay “Nhân viên bình thường chọn công ty, nhân viên vĩ đại chọn sếp” đã và đang là quy tắc ngầm mà các bạn trẻ gen Z tâm đắc. Nói cách khác, các bạn thuộc thế hệ này sẵn sàng đánh đổi thời gian, tiền bạc để có thể học hỏi được từ những người quản lý tốt nhất. Nhưng bù lại, họ cũng có chỉ tiêu rất cao về những giá trị mà họ có thể đạt được, ví dụ như: Kiến thức đó có thực sự hữu ích, giúp họ làm gì, phục vụ cụ thể và task công việc như thế nào, có giúp họ sớm sở hữu một công việc ổn định và có thu nhập cao trong tương lai hay không…?
Nhà quản lý cần tìm hiểu và giúp nhân viên của mình phát triển được kỹ năng mà họ mong muốn
Vì vậy, nếu bạn là người cố vấn giàu kiến thức và giúp tạo động lực cho nhân viên thì chắc chắn họ sẽ làm việc cực kỳ chăm chỉ.
Linh hoạt – đa dạng và hòa nhập tại nơi làm việc
Các nhà quản lý hãy tập quen với việc các bạn gen Z xin làm việc online tại nhà, tại quán cafe hay… đôi khi, các bạn trẻ gen Z mặc đồ ngủ khi đến công ty. Gen Z thực sự muốn làm mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Bởi đôi khi những địa điểm làm việc không-phải-tại-văn-phòng hoặc biến văn phòng là nhà lại khiến họ hứng thú và tạo năng suất làm việc tốt hơn.
Người trẻ thích làm việc như người cô đơn nhưng họ lại không muốn cô đơn tại nơi làm việc! Họ thực sự ưa chuộng việc làm việc thông qua các nền tảng công nghệ nhưng không phải là dán mắt vào màn hình laptop 8 tiếng đồng hồ và không giao tiếp với bất cứ ai. Nghe tưởng chừng như vô lý nhưng điều này lại là sự thật. Thực tế, có rất nhiều trường hợp các bạn trẻ nghỉ việc vì lý do “không thể hòa nhập tại nơi làm việc”…
Dĩ nhiên, những minh họa phía trên chỉ là để dễ hình dung. Về bản chất, không nơi làm việc nào hoàn hảo và lý tưởng với mọi nhân viên. Người quản lý có thể chú ý và thoải mái với các vấn đề tham khảo như dưới đây để góp phần tạo ra được một môi trường tốt nhất cho các bạn trẻ gen Z:
- Lịch làm việc linh hoạt, đa dạng và cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân
- Khuyến khích việc hòa nhập các cá nhân với doanh nghiệp thông qua những phản hồi, hội nhóm,…
- Lắng nghe ý kiến và tôn trọng thời gian cá nhân của nhân viên
Tìm cách trao quyền cho họ với tư cách cá nhân
Một cách để vừa quản lý vừa giúp thúc đẩy công việc cho gen Z chính là trao quyền cho họ. Đích thân người quản lý giao trọng trách công việc để tận dụng khả năng độc lập, kỹ năng nghiên cứu và cả cách giải quyết công việc độc đáo của họ. Việc này giúp các nhân sự gen Z cảm thấy bản thân họ được coi trọng và chú ý hơn.
Thông qua các task công việc này, người quản lý có thể gợi ý lộ trình phát triển nghề nghiệp cũng như cơ hội thăng tiến để tạo động lực phấn đấu. Đây cũng có thể là một mẹo giữ chân nhân viên gen Z khá hiệu quả.
Giúp thế hệ gen Z giảm căng thẳng trong cả công việc và cuộc sống
Một khảo sát từ Future Workplace đã đưa ra số liệu như sau: Có đến 37% các bạn thuộc thế hệ gen Z cảm thấy căng thẳng là một trở ngại cực lớn khiến họ gặp phải các chậm trễ trong sự phát triển sự nghiệp.
Bởi vậy, nếu người quản lý có thể để tâm đến vấn đề này (thông qua việc đưa ra lời khuyên, khuyến khích nhân viên nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc hoặc đưa ra các đặc quyền liên quan đến chế độ lương thưởng) thì chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy tinh thần, tạo động lực công việc cho gen Z.
Thế hệ Z “tài năng nhưng mong manh dễ vỡ” có thể sẽ khiến cả nhà tuyển dụng và nhà quản lý gặp phải các thách thức về mặt tâm lý. Bởi vậy, người làm sếp chắc chắn phải rất “đa chiêu” mới có thể đào tạo được một thế hệ nhân sự năng động, hòa hợp và giỏi giang. Hy vọng các thông tin trong bài viết hữu ích dành cho bạn đọc!
Thúy Anh