Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Ngành thương mại điện tử Việt Nam tăng tốc sau đại dịch Covid – 19
Nội dung bài viết :
Đại dịch COVID-19 đã lan rộng khắp thế giới và có tác động sâu sắc, toàn diện tới kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội toàn cầu. Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt nhất, tuy nhiên những tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế Việt Nam không hề nhỏ. Thương mại điện tử là một trong số các ngành chịu nhiều biến động của đại dịch. Các chuyên gia nhận định đây là cú hích rất lớn tác động đến ngành thương mại điện tử Việt Nam và có dấu hiệu tăng tốc tích cực.
1. Tác động của đại dịch Covid đến kinh tế Việt Nam
Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dịch COVID-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 8.800 tỷ USD, tương đương 9,7% GDP của thế giới. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 được dự đoán ở mức dưới 3%, thấp hơn nhiều so với năm 2009 khi diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dự báo kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức trên 5%.
Một loạt các biện pháp được triển khai trên toàn thế giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm miễn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, miễn đóng phí bảo hiểm xã hội, giảm giá điện… Việt Nam có những lợi thế nhất định so với các nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 3,8% trong quý I năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu bốn tháng đầu năm tăng 5%, số vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 12 tỉ USD.
2. Người dùng thay đổi hành vi
Dịch COVID-19 nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng ưa thích mua sắm trực tuyến hơn. Trong giai đoạn cao điểm của dịch từ tháng 2 đến tháng 4, đây là kênh duy nhất để tiếp cận tới một số hàng hoá và dịch vụ. Người tiêu dùng cũng hạn chế việc dùng các sản phẩm không đảm bảo nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam theo dõi rất sát tình hình dịch bệnh, nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng.
3. Tác động của Covid đến thương mại điện tử Việt Nam
– Tăng cường làm việc online
Phần lớn doanh nghiệp yêu cầu nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và bản thân, đồng thời vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh. Các giải pháp điều hành doanh nghiệp từ xa, quản lý nhân viên làm việc tại nhà được chia sẻ qua nhiều diễn đàn trực tuyến.
Có tới 67% doanh nghiệp tham gia khảo sát yêu cầu một nửa nhân viên làm việc trực tuyến trong giai đoạn cao điểm của COVID-19 (từ tháng 2 đến hết tháng 4 năm 2020), hoạt động nội bộ được duy trì nhờ giải pháp luân phiên trực ban; 18% doanh nghiệp yêu cầu từ 21-50% nhân viên làm việc trực tuyến.
Có tới 87% doanh nghiệp lựa chọn Facebook, Google, Zalo, Skype, Viber, WhatsApp, Email… làm công cụ tương tác nội bộ trong thời gian cao điểm. Chỉ có 21% doanh nghiệp thuê hệ thống hỗ trợ làm việc online chuyên nghiệp. Đây là giải pháp tốn kém với doanh nghiệp trong bối cảnh cần cắt giảm chi phí.
– Doanh nghiệp mở rộng kinh doanh sàn thương mại điện tử
Phần lớn các sàn thương mại điện tử chứng kiến số lượng gian hàng giảm so với kế hoạch năm 2020 cũng như so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, so với cùng thời điểm năm 2019 thì 80% doanh nghiệp kinh doanh sàn cho biết số lượng gian hàng giảm, đặc biệt 100% doanh nghiệp đều đánh giá số lượng gian hàng trong giai đoạn cao điểm của dịch giảm so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch kinh doanh năm 2020. Tình hình rất nghiêm trọng đối với các sàn kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, có sàn trong lĩnh vực này giảm tới 90% gian hàng.
Tình hình tương tự với đơn hàng. Số lượng đơn hàng trong giai đoạn cao điểm của dịch giảm so với cùng kỳ năm trước và so với tháng 1/2020 ở thời điểm khi dịch chưa bùng phát. Trong khó khăn chung vẫn có 20% sàn có số lượng đơn hàng tăng so với cùng kỳ năm 2019 và 40% sàn có số lượng cao hơn so với tháng 01 năm 2020.
– Tác động lớn đến doanh nghiệp chuyển phát
Trái với hai lĩnh vực cung cấp giải pháp công nghệ và các sàn TMĐT, tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp chuyển phát và logistics khá lạc quan. Số lượng đơn hàng chuyển phát cho thương mại điện tử tăng đáng kể. Đông đảo thương nhân đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các kênh như website thương mại điện tử, ứng dụng di động, các mạng xã hội… là nguyên nhân của sự tăng trưởng này.
Cụ thể, 55% doanh nghiệp cho biết số lượng đơn hàng tăng so với cùng kỳ năm 2019, 73% doanh nghiệp có số lượng đơn hàng tăng so với tháng 1/2020. Tuy nhiên có tới 60% doanh nghiệp cho biết số lượng các đơn hàng giảm so với kế hoạch dự kiến trong tháng 2-4 năm 2020.
Ngoài ra, tỷ lệ thanh toán COD trong giai đoạn diễn ra dịch tăng, theo đó 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết tỷ lệ đơn hàng sử dụng dịch vụ COD trên tổng số đơn hàng vận chuyển trong giai đoạn tháng 2-4 tăng so với tháng 1/2020.
– Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán
Có sự khác biệt lớn giữa các ví điện tử và ngân hàng. 50% ví điện tử cho biết số lượng khách hàng tăng trưởng từ 100-300% so với cùng kỳ năm 2019. Toàn bộ doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho biết tỷ lệ tăng trưởng khách hàng giảm so với kế hoạch tháng 2-4 năm 2020 đã đề ra. Đối với số lượng giao dịch, so với cùng kỳ năm 2019, có tới 60% doanh nghiệp chứng kiến sự tăng cao của số giao dịch thanh toán. Nhưng so với tháng 1 và kế hoạch tháng 2-4 năm 2020 thì hầu như toàn bộ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán đều suy giảm đáng kể số lượng giao dịch.
– Doanh nghiệp tiếp thị trực tuyến
Các doanh nghiệp tiếp thị trực tuyến gặp khó khăn do số lượng hợp đồng thuê quảng cáo trong giai đoạn cao điểm của Covid-19 giảm mạnh. Hầu như toàn bộ doanh nghiệp tiếp thị trực tuyến tham gia khảo sát cho biết số lượng hợp đồng thuê quảng cáo giảm so với cùng kỳ năm trước, tháng 1/2020 hay so với kế hoạch tháng 2-4 năm 2020.
Cụ thể, số lượng hợp đồng thuê quảng cáo trong quá trình diễn ra dịch của các doanh nghiệp trung bình giảm như sau:
– So với cùng kỳ năm ngoái: -57% số lượng hợp đồng
– So với tháng 1/2020: -51% số lượng hợp đồng
– So với kế hoạch dự kiến tháng 2-4 năm 2020: -62% số lượng hợp đồng
Một số hình thức, công nghệ, giải pháp tiếp thị trực tuyến mới các doanh nghiệp đã triển khai trong tháng 2-4/2020 hoặc dự kiến sẽ triển khai trong năm 2020:
– Truyền thông báo chí và truyền hình;
– Quảng cáo (Google, Facebook);
– Các giải pháp chuyên sâu hơn về trải nghiệm người dùng mảng SMS Marketing;
– Bổ sung một số kênh truyền thông mới cho doanh nghiệp như Tiktok, Linkedin…
– Quảng cáo chuyển đổi;
– Đẩy mạnh email marketing;
– Đẩy các hoạt động thương mại và xúc tiến doanh nghiệp lên các trang online, kết nối trực tuyến;
– Tiếp cận trực tiếp các group cộng đồng;
– Phát triển hệ thống MGM.
Trên đây là đánh giá khách quan về ngành thương mại điện tử Việt Nam dưới tác động của Covid-19. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích.
Xem thêm: Thương mại điện tử “lên ngôi”