Ngành gia dụng tại thị trường Việt Nam – Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Chuyển động thị trường bán lẻ: Tăng trưởng kênh phân phối hiện đại
Thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với nhiều dư địa phát triển song cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi doanh nghiệp phải phân loại thị trường, phát triển những mô hình bán lẻ phù hợp với đối tượng khách hàng.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để thu hút sự gia nhập của các tập đoàn bán lẻ quốc tế. Hơn thế nữa, sự chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ Việt Nam từ loại hình thương mại truyền thống sang kênh bán lẻ hiện đại đang diễn ra sâu sắc. Hoạt động mua bán và sáp nhập giữa nhà bán lẻ trong và ngoài nước đã làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng được dự báo có nhiều bước tiến đột phá nhờ những cải tiến vượt bậc của công nghệ.
Trước bối cảnh này, nhiều nhà bán lẻ đã nhận diện cơ hội và thách thức để đưa ra chiến lược phát triển phù hợp với tâm lý, xu hướng tiêu dùng thay đổi, từ đó tạo động lực cho sự phát triển bền vững và xây dựng niềm tin ở khách hàng. Thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với nhiều dư địa phát triển song cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi doanh nghiệp phải phân loại thị trường, phát triển những mô hình bán lẻ phù hợp với đối tượng khách hàng.
Đây cũng được cho là yếu tố quan trọng hàng đầu để thương hiệu bán lẻ tiếp cận thành công khách hàng và giúp nhà bán lẻ giành lợi thế trong cuộc chiến chiếm giữ vị trí đắc địa, thuận lợi để mở rộng, phát triển thương hiệu.
Cú hích từ các FTA
Việt Nam liên tiếp đàm phán thành công và ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) gần đây cho thấy nhiều cơ hội lớn đang chờ đón ở phía trước; trong đó bán lẻ được dự đoán là ngành sẽ có tác động tới quy mô thị trường, dòng vốn đầu tư, chuyển đổi phương thức kinh doanh…
FTA nổi bật như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) giữa các thành viên ASEAN và năm nền kinh tế lớn gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới sẽ được hình thành với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng; GDP vào khoảng 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.
Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, tối thiếu 64% dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Tỷ lệ xóa bỏ những dòng thuế quan sẽ không ngừng tăng lên theo thời gian cho đến thời điểm cuối lộ trình của hiệp định này.
Cùng với đó, các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, thu hút vốn… vào thị trường Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên vật liệu chất lượng cao và giá cả hợp lý hơn từ nhiều nước EU và thị trường toàn cầu.
Với nền tảng các FTA đã ký kết và có hiệu lực, cùng với lợi thế về chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi… sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp nhiều nước dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam với những ưu đãi về thuế, hải quan, chính sách, mở ra cơ hội đầu tư, thương mại.
Nhiều ngành sản xuất trong nước sẽ có thêm ưu thế để phát triển khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, hội nhập sâu rộng, nguồn nhân lực dồi dào cùng thị trường có sức mua lớn.
Đối với ngành bán lẻ, thông tin về việc các hãng gia công lớn cho Apple như Foxconn, Luxshare, Pegatron đang có những bước đi nhằm mở rộng đầu tư tại Việt Nam đã được nhiều hãng tin lớn công bố. Tín hiệu tích cực này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho thị trường bán lẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho biết để tập trung nguồn lực nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, vận hành kênh phân phối-bán lẻ…, mọi chiến lược đều phải được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống.
Năm 2021, Saigon Co.op dự kiến mở rộng 10 mô hình bán lẻ trên thị trường và thực hiện chiến lược đa dạng hóa mô hình bán lẻ được khởi động từ năm 2018, với phương châm “Bạn của mọi nhà.”
“Saigon Co.op sẽ tạo ra sự khác biệt thông qua giải pháp cơ cấu lại mặt hàng; số hóa mô hình kinh doanh; duy trì vai trò tiên phong sức mệnh của nhà bán lẻ nội địa như bình ổn thị trường, tiêu dùng xanh, hàng Việt…, ” ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm.
Mở rộng phạm vi và quy mô bán lẻ
Tại Việt Nam, ngành bán lẻ có xu hướng phát triển ở các khu vực lân cận, ngoài trung tâm, với đa dạng kênh phân phối, bán lẻ.
Theo bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Bộ phận Nghiên cứu thị trường, Công ty Nghiên cứu thị trường và Tư vấn đầu tư bất động sản Savill Việt Nam, công suất trung bình cả năm 2020 của ngành bán lẻ đạt 95%, giảm nhẹ 1 điểm phần trăm theo năm.
Công suất hoạt động của khối đế bán lẻ giảm mạnh nhất 4 điểm phần trăm theo năm do cơ cấu khách thuê kém đa dạng và lượng khách giảm.
Trung tâm thương mại có công suất đạt 95% và cửa hàng bách hóa đạt 98%, cả hai phân khúc đều giữ được sức hút và công suất ổn định theo năm do lượng khách mua sắm cao và cơ cấu khách thuê tốt. Diện tích trống nhanh chóng được lấp đầy, nhất là ở khu trung tâm.
Những thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước đang tìm cách mở rộng, yêu cầu diện tích lớn từ 300-1.000m2 ở các vị trí có lượng người mua sắm cao. Tuy nhiên, diện tích trống hiện chỉ còn từ 100-200m2, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trên thị trường.
Dự báo năm 2021, khoảng 12 dự án mới với hơn 170.000m2 sẽ gia nhập thị trường và khoảng 80% tổng nguồn cung này tập trung ở khu vực ngoài trung tâm.
Theo Tổ chức khảo sát, nghiên cứu và công bố dữ liệu kinh tế thương mại toàn cầu Trading Economics, doanh số bán lẻ của Việt Nam dự báo tăng 11% trong năm 2021 vượt xa nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Riêng Tổ chức nghiên cứu vĩ mô Fitch Solutions, dự kiến năm 2021, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam tăng 9,6% theo năm và tăng so với mức dự báo 0,5% năm 2020.
Với đà tăng trưởng hiện tại của ngành bán lẻ, Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường và Tư vấn đầu tư bất động sản Colliers International Việt Nam chỉ ra rằng, sẽ có nhiều trung tâm bán lẻ tiếp tục được phát triển, phân bố đa dạng hơn ở vùng ven đô thị lớn hay nhiều tỉnh, thành.
Sức mua gia tăng theo từng năm, số người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu cũng không ngừng lớn mạnh khiến phân khúc hàng cao cấp, xa xỉ vẫn tiếp tục phát triển sôi động.
Thống kê của Colliers International Việt Nam còn cho thấy riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều thương hiệu bán lẻ hàng cao cấp vẫn tiếp tục thuê vị trí đất “vàng” và mở rộng hoạt động như Uniqlo, Giordano, ACE hay Watson. Điều này là minh chứng thực tế cho một thị trường giàu sức cạnh tranh hơn, đa dạng phân khúc hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn.
Một số chuyên gia đầu ngành đưa ra dự báo, sẽ có bốn xu hướng chính của ngành bán lẻ sau đại dịch gồm: công ty bán lẻ lớn nắm bắt cơ hội để tăng trưởng thị phần; thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng sang mặt hàng thiết yếu mang lại thuận lợi cho các nhà bán lẻ hàng tạp hóa; COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến và nhà phát triển bất động sản thương mại tận hưởng dòng chảy của thương hiệu quốc tế vào Việt Nam.
Để nắm bắt các xu hướng này, doanh nghiệp trong nước sẽ chịu sức ép lớn từ doanh nghiệp nước ngoài, song đây cũng là tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới nhanh nhạy và hiệu quả hơn. Từ đó, một thị trường cạnh tranh công bằng hơn sẽ dần được tạo lập, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Riêng danh mục chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong 2021 dựa trên nền tảng tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo phục hồi mạnh nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương do kiểm soát đại dịch tốt và chính sách kích cầu hiệu quả.
Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam còn có thể cao hơn./.