Bạn có tự hào về doanh nghiệp của mình?

 Bạn có tự hào về doanh nghiệp của mình?

Trong một lần trao đổi công việc tại công ty mới (sau khi rời VIB), tôi đã chia sẻ nhiều điều tâm đắc tại tổ chức cũ. Dù rất nhã nhặn nhưng chị Chủ tịch vẫn phải nhắc tôi về việc yêu tổ chức cũ là tốt nhưng nên tập trung vào nơi mà mình đang làm việc. Từ đó tôi luôn hỏi tự hỏi mình: “Tại sao tôi lại yêu tổ chức ấy đến thế ? Và nếu nhân viên yêu quý và tự hào về doanh nghiệp của mình thì có tốt không?”.

Tự vấn bản thân và quan sát, tôi nhận ra rằng: Nếu nhân viên yêu quý và tự hào về doanh nghiệp của mình thì họ sẽ đem lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân họ mà cả với khách hàng và doanh nghiệp. Chính tình yêu công việc đã giúp tôi luôn cảm thấy hài lòng và luôn muốn phục vụ khách hàng tốt hơn, hỗ trợ mọi người nhiều hơn. Trong 8 năm gắn bó, tôi đã được công hiến và đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Trong một bài viết của giáo sư Bruce L. Katcher, chủ tịch của Discovery Surveys về kết quả khảo sát tại 70 tổ chức về việc họ có tự hào về tổ chức của mình hay không thì có 73% nhân viên nói rằng họ tự hào. Nghiên cứu cũng cho biết những nhân viên tự hào về tổ chức của họ sẽ:

  • Tham gia tích cực vào công việc
  • Hài lòng với tổ chức như một nơi để làm việc
  • Cam kết với tổ chức
  • Sẵn sàng giới thiệu tổ chức như một nơi tốt để làm việc
  • Tiếp tục làm việc với tổ chức trong nhiều năm nữa
  • Cho mọi người biết họ đang làm ở đâu
  • Trở thành đại sứ cho thương hiệu

Tôi cũng nhận thấy, tổ chức mà làm cho nhân viên tự hào cũng thu được rất nhiều giá trị.

  • Năng lượng và sự nhất quán của mọi người rất cao
  • Nhân viên đến việc làm hết sức mình – tinh thần hỗ trợ mạnh mẽ hơn
  • Tăng chất lượng dịch vụ khách hàng
  • Hiệu suất công việc tăng cao
  • Đại diện thương hiệu đáng tin cậy
  • Tuyển được những người giỏi và phù hợp

Làm thế nào để xây dựng niềm tự hào ở nơi làm việc?

Xây dựng niềm tự hào là một nỗ lực của cả nhóm, nhưng nó đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ và sự hỗ trợ từ cấp cao nhất của tổ chức. Nó cũng cần nhân viên cảm thấy được chủ nhân của họ thực sự coi trọng và đầu tư vào. Điều này dẫn đến một cảm giác chung về mục đích, nơi mọi người đều hiểu và tin tưởng vào những gì tổ chức của họ đang cố gắng đạt được – và hiểu vai trò của họ trong việc mang lại thành công.

Các giá trị của tổ chức cần được xác định rõ ràng và nhân viên sau đó có thể được tuyển dụng phù hợp với các giá trị đó. Ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ giúp ích, chẳng hạn như cơ hội tình nguyện cho những mục đích tốt của công ty.

Tôi đã tổng kết lại những yếu tố đã giúp tôi luôn yêu quý và tự hào về doanh nghiệp của mình. Đó là:

Được sếp tin tưởng giao việc và chia sẻ thông tin

Nghe có vẻ buồn cười nhưng khi được giao việc, đặc biệt là những việc quan trọng, việc khó lại làm cho nhân viên cảm thấy có động lực. Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng với tầm nhìn và hiểu biết hạn hẹp của mình, rất nhiều trường hợp nhân viên sẽ gặp khó khăn trong công việc. Chính những thông tin và sự chỉ bảo của sếp sẽ giúp họ vượt qua khó khăn và hoàn thành công việc. Còn gì đáng quý hơn khi những sai sót của mình được sếp góp ý và khích lệ động viên. Điều này chứng tỏ sếp tin tưởng, coi trọng và luôn quan tâm đến nhân viên. Và họ sẽ rất nỗ lực để chứng minh là sếp đã đúng khi đặt niềm tin và qua đó giúp tổ chức hoàn thành mục tiêu đề ra. Điều này giúp cho nhân viên cảm thấy tự hào về bản thân mình và tự hào về thành quả của doanh nghiệp.

Được tham gia vào các hoạt động của đơn vị

Trong các dự án hoặc công việc mới, khi mà tất cả kiến thức và kinh nghiệm cũ không còn phù hợp thì việc cởi mở các vấn để trở nên rất quan trọng. Trước các vấn đề thực tế, nhân viên có thể thẳng thắn nêu ý kiến của mình và được mọi người lắng nghe, phản hồi một cách xây dựng sẽ giúp cho người nhân viên cảm thấy ý kiến của họ được coi trọng và xem xét. Điều này làm cho người nhân viên cảm thấy mình là một phần của doanh nghiệp và khuyến khích nhân viên đóng góp nhiều hơn.

Ghi nhận và khích lệ động viên

Nhiều nhân viên cảm thấy không tự tin hoặc không chắc chắn về giá trị của mình đổi với tổ chức. Vì vậy việc ghi nhận những nỗ lực và giá trị đóng góp của họ vào mục tiêu chung của tổ chức là rất quan trọng. Điều này giúp nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi đóng góp vào nỗ lực đạt được mục tiêu chung của tổ chức. Ngày trước tôi thường tặng cho nhân viên bán hàng xuất sắc nhất 1 cây bút “đặc biệt”. Khi anh ấy đeo chiếc bút ở ngực, mọi người đều biết anh ấy là người xuất sắc.

Chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi

Sếp cần phải chia sẻ với nhân viên về tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và cần giải thích rõ vai trò của nhân viên đối với quá trình thực hiện tầm nhìn đó. Nhân viên hiểu rõ vai trò của họ đối với quá trình đạt đến tầm nhìn doanh nghiệp, họ sẽ có cảm giác tự hào và cam kết mạnh mẽ để cùng phấn đầu vì một sứ mệnh chung.

Tôi rất thích câu chuyện khi John F Kennedy đến tham quan trung tâm vũ trụ NASA, thấy một người lao công mang theo một chiếc chổi, ông bước qua và hỏi anh ta đang làm gì. Người lao công đáp: Thưa ngài Tổng Thống, tôi đang giúp đưa một người lên mặt trăng. Và tôi thường kể câu chuyện này cho các CEO trong lớp đào tạo lãnh đạo của mình.

Hiểu về cách doanh nghiệp bắt đầu

Trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ có hai câu thơ đầu :

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Trong khi cả nước đang còn lo ngại về việc đưa môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc THPT có thể dẫn đến xóa sổ môn lịch sử nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là lịch sử giúp xây dựng lòng tự tôn và tự hào dân tộc.

Để có cam kết kết nối và “thuộc về” tổ chức, nhân viên cũng nên tìm hiểu về lịch sử phát triển qua đó hình thành lòng tự hào về doanh nghiệp của họ. Người lãnh đạo phải là người viết sử và kể lại câu chuyện lịch sử doanh nghiệp với niềm tự hào sâu sắc để truyền cảm hừng tới nhân viên.

Hiểu doanh nghiệp có gì độc đáo?

Nếu doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ có sự khác biệt hoặc có bất kỳ sự độc đáo nào khác thì sếp hãy phân tích lý do tại sao điều này lại giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tôi đã được Người sáng lập ra công ty “Tiên phong” chia sẻ về sự tiên phong trong giải pháp giá trị đem đến cho khách hàng cũng như tầm nhìn trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực hoạt động của họ. Tuy không phải là nhân viên của công ty nhưng tôi vẫn “bị lây” sự tâm huyết và niềm tự hào về những điều mà doanh nghiệp đã làm được trong suốt 19 năm qua. Vì vậy, hãy tự hào nếu doanh nghiệp của bạn là người duy nhất / một trong số ít người cung cấp sản phẩm, dịch vụ đó. Mọi người đều quan tâm đến những gì làm cho bạn khác biệt!

Trách nhiệm xã hội

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang dần được nâng lên. Các doanh nghiệp cũng nhận thấy trách nhiệm xã hội tốt cho lợi nhuận và cho tinh thần của nhân viên. Bản chất của doanh nghiệp vẫn là tìm kiếm lợi nhuận, nhưng hỗ trợ cho một hoạt động thiện nguyện hoặc một hoạt động vì cộng đồng cũng là cách xây dựng thương hiệu tốt. Zappos là một nhà bán lẻ giầy và quần áo trực tuyến thuộc sở hữu của Amazon đã mở rộng đáng kể hoạt động kinh doanh của họ bằng cách tặng giày cho các tổ chức từ thiện và bằng cách thúc đẩy một nền văn hóa nội bộ thú vị thông qua việc tập trung vào hạnh phúc của nhân viên.

Nhìn thấy doanh nghiệp và đồng nghiệp ủng hộ cho những lý do chính đáng, nhân viên sẽ yêu quý và tự hào về tổ chức hơn. Những hoạt động này còn giúp nhân viên giới thiệu bản thân cũng như doanh nghiệp tới người thân, bạn bè và cộng đồng nơi sinh sống. Ngay cả những điều rõ ràng nhỏ nhặt như cách bài trí và trang trí văn phòng thể hiện trách nhiệm với xã hội cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Tại những nơi đã làm việc, tôi đều gặp những người sếp tốt và họ luôn yêu quý tổ chức của mình. Chính những người sếp tốt đã dạy tôi cách làm việc, cách tổ chức công việc, cách xây dựng đội nhóm và truyền cho tôi tình yêu với tổ chức. Và tôi cũng tặng “món quà” này cho nhân viên và đề nghị họ khi trưởng thành hãy trao lại cho những người nhân viên của họ như tôi đã trao.

Khi tự hào về doanh nghiệp, người nhân viên sẽ gắn bó hơn, hài lòng hơn, cam kết hơn và đồng hành lâu dài hơn. Những nỗ lực của các bạn sẽ rất đáng giá nếu bạn giúp cho nhân viên tự hào về doanh nghiệp của mình cũng như tôi tự hào về những nơi tôi đã làm. Tháng 5 cũng là tháng tôi bắt đầu nghỉ làm tại VIB sau 8 năm gắn bó và cứ đến tháng 5 chúng tôi lại tụ họp với nhau để cùng chia sẻ về cuộc sống và công việc. Có nhiều người đã chuyển công việc nhưng tất cả chúng tôi đều yêu quý và tự hào về thời gian gắn bó cùng nhau.

Theo Bùi Đỗ Mạnh 

Good Good Report

https://goodgood.vn

Xem thêm